Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 9/12
Hà Nội phạt hơn 1 tỷ đồng vi phạm về môi trường; Đề xuất xây dựng Luật Biến đổi khí hậu; 11% trường học phải đối diện với rủi ro ngập lụt từ biển do biến đổi khí hậu... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.
Hà Nội phạt hơn 1 tỷ đồng vi phạm về môi trường
Trong tháng 11/2022, Thanh tra Sở Giao Thông vận tải thành phố Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, qua đó, đã lập biên bản phạt tiền hơn 1 tỷ đồng với các lỗi vi phạm về môi trường.
Cụ thể, theo Thanh tra Sở Giao Thông vận tải TP. Hà Nội, tính từ ngày 1 đến 30/11 lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành kiểm tra, xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính 334 trường hợp. Trong đó, tổ chức phạt với tổng số tiền 1.054.900.000 đồng, với các hành vi vi phạm như: di chuyển trên đường để rơi vãi vật liệu xây dựng; lôi kéo đất đá gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến người dân tham ra giao thông...
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi gây mất vệ sinh môi trường, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan còn xử lý các trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải. Theo đó đã có 123 trường hợp bị lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức phạt tiền 1.302.500.000 đồng, tạm giữ 6 phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 40 trường hợp.
Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngày một tăng cao, dự báo tình hình giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều vị trí ùn tắc giao thông tại các tuyến đường, phố cửa ngõ ra, vào thành phố, cũng như để đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội yêu cầu các Đội Thanh tra Giao thông vận tải chuyên ngành, các Đội Thanh tra Giao thông trực thuộc huy động 100% quân số, ứng trực thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất nhằm không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền các địa phương, lực lượng Công an đảm bảo trật tự an toàn giao thông phục vụ công tác tổ chức giao thông trên tuyến phố Quang Trung, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; Tuyến phố Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân và quận Hà Đông. Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức giao thông, phân luồng, hướng dẫn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực các dự án thi công công trình trọng điểm của thành phố. Trong đó, có Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, quận Hoàng Mai.
Cùng với đó, Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải TP. Hà Nội tiếp tục bố trí lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội tại 51 vị trí, huy động 176 lượt cán bộ, thanh tra viên…
Duy trì công tác phối hợp với các phòng, ban chức năng trực thuộc Sở, chính quyền 30 quận, huyện, thị xã và lực lượng chức năng nắm bắt tình hình về trật tự giao thông, trật tự đô thị tại các điểm nút giao thông, khu vực, tuyến đường có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông để kịp thời tham mưu, đề xuất phương án giải quyết. Ngoài ra, Thanh tra Sở cũng xây dựng phương án phối hợp với Ban duy tu để thông tin các sự cố về giao thông, bất cập trong công tác tổ chức giao thông, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố; đảm bảo kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đề xuất xây dựng Luật Biến đổi khí hậu
Ngày 8/12, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo "Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 và giải pháp trong thời gian tới".
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, biến đổi khí hậu đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới. Tình hình này đòi hỏi sự chung tay của nhiều quốc gia trong việc đề ra các hành động tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 càng cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng đối với vấn đề này.
Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.
Quốc hội đã thông qua nhiều Luật có liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Đa dạng Sinh học năm 2018, Luật Thủy sản năm 2017… Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết, quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, nổi bật là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; việc thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị; hiệu quả các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới…
Thông qua trữ lượng khoáng sản tại 4 địa phương
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với 4 mỏ khoáng sản ở Bắc Giang, Hà Nam, Nghệ An và Bình Định.
Báo cáo kết quả thăm dò than khu vực Thanh Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, ông Bùi Viết Sáng thuộc Liên đoàn INTERGEO (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), đơn vị tư vấn cho biết: Liên đoàn đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đánh giá được trữ lượng và chất lượng các vỉa than có giá trị công nghiệp trong diện tích cấp phép thăm dò. Đặc biệt, đã có lỗ khoan sâu nghiên cứu đánh giá tiềm năng các vỉa than đến mức dưới -650m trong khu vực thăm dò.
Ngoài ra, công tác địa chất thủy văn - địa chất công trình đã đánh giá được tổng lượng nước chảy vào mỏ và xác định được tính chất cơ lý của đất đá góp phần phục vụ cho giai đoạn khai thác.
Ông Nguyễn Xuân Toán - Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng, báo cáo kết quả thăm dò than khu vực Thanh Sơn đã tổng hợp được tài liệu thu thập trong quá trình thăm dò, đánh giá chất lượng và tính được trữ lượng, tài nguyên than trong diện tích thăm dò. Trữ lượng sau thăm dò đạt mục tiêu đề án đặt ra. Trữ lượng than đã tính trong báo cáo đạt được độ tin cậy của cấp trữ lượng 122 (phần thân quặng đã được nghiên cứu rõ về địa chất, chất lượng và công nghệ khai thác, có tính khả thi và hiệu quả kinh tế khi khai thác theo đúng yêu cầu của loại mỏ).
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng và tài nguyên than là 23,823 triệu tấn, trong đó, trữ lượng cấp 122 là 20,838 triệu tấn và tài nguyên cấp 333 là 2,985 triệu tấn.
Hội đồng cũng đánh giá và thông qua tổng trữ lượng 4,327 triệu tấn đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng ở trạng thái tự nhiên, 2,171 triệu tấn cát bột kết phong hóa (đá lớp kẹp) có thể sử dụng làm phụ gia xi măng ở trạng thái tự nhiên tại khu vực T51, T52 Núi Nghè, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Đối với khu vực thăm dò đá dăm kết vôi làm ốp lát tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An của Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh Khoáng sản Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt tư vấn, Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng đá ốp lát có cỡ khối lớn hơn hoặc bằng 0,4m3 cấp 121+122 là 3,366 triệu m3 và tổng khối lượng đất bóc là 258 nghìn m3.
Về kết quả tổng hợp tài liệu, tính trữ lượng đá granit tảng lăn làm ốp lát còn lại trong phạm vi giấy phép khai thác khoáng sản số 438/GP-BTNMT ngày 14/4/2003 của Bộ TN&MT tại mỏ Núi Dung xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định, Hội đồng thông qua tổng trữ lượng cấp 122, tài nguyên cấp 222 và tài nguyên cấp 333 đá granit tảng lăn làm ốp lát còn lại là 513.546 m3.
Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên
Ngày 9/12, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đơn vị vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ vàm sông Mương Lộ đến rạch Bà Bóng) dài 700m, thuộc tổ 9, tổ 10 (ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), mức độ sạt lở nguy hiểm.
UNBD tỉnh Vĩnh Long, giao Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND huyện Long Hồ triển khai các giải pháp phi công trình và công trình nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn sản xuất và dân sinh...
Trước đó, vụ sạt lở diễn vào cuối giờ chiều 5-12, vị trí tại bờ sông Cổ Chiên, ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) với chiều dài khoảng 500m, ăn sâu vào bờ từ 200 – 250m, tổng diện tích thiệt hại khoảng 10ha.
Vụ sạt lở đã “nuốt chửng” 13 căn nhà của người dân, trong đó có 12 căn nhà cấp 4; 1 căn nhà gỗ; 1 nhà kho; 1 xe cuốc và 2 ao nuôi cá chốt. Ước tổng thiệt hại ban đầu là khoảng 35 tỷ đồng.
UBND và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Long Hồ, đơn vị đã hỗ trợ mỗi hộ có nhà bị sạt lở 2 triệu đồng, cùng lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết. Đồng thời, đề xuất bố trí những hộ dân không còn đất ở vào khu vượt lũ.
Bên cạnh đó, nhiều mạnh thường quân, cũng đã đến hỗ trợ cho bà con vùng sạt lở; đồng thời đã đến trao học bổng 59,5 triệu đồng, cho 20 em học sinh các khối lớp đang bị ảnh hưởng bởi sạt lở
11% trường học phải đối diện với rủi ro ngập lụt từ biển do biến đổi khí hậu
Mới đây, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn - Biến đổi khí hậu (biến đổi khí hậu), Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết với đặc điểm địa lý và khí hậu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Đặc biệt, dịch vụ giáo dục và y tế cũng đang đứng trước rủi ro cao khi mà 26% các bệnh viện công và trung tâm y tế, 11% các trường học phải đối mặt với rủi ro ngập lụt từ biển. Theo thống kê của các năm 2011, 2012, 2018 và 2020, có 5.929 phòng học và nhà chức năng đã bị phá huỷ và hư hại, có 2.723 điểm trường bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu đang ngày càng làm gián đoạn nền kinh tế Việt Nam và những khoản chi phí đang bắt đầu làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tính trong năm 2020, Việt Nam đã thiệt hại 10 tỉ USD, tương đương 3.2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.
Dự tính trong tương lai, kinh tế của Việt Nam sẽ bị tổn thất và thiệt nặng nề từ biến đổi khí hậu. Cụ thể, nếu mực nước biển dâng 1.0m, ước tính khoảng 5.3% diện tích tự nhiên bị ngập, 10.8% dân số bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 10.2% GDP, 10.9% vùng đô thị bị ngập, 7.2% diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng và 28.9% vùng đất thấp bị ngập.
Nếu không có các biện pháp thích ứng hiệu quả và giảm thiểu phù hợp, trong giai đoạn 2070 – 2100 sẽ có từ 6 triệu - 12 triệu người có thể chịu tác động tiêu cực từ lũ lụt ven biển; ước tính biến đổi khí hậu có thể khiến tới 1 triệu người lâm vào tình trạng nghèo cùng cực năm 2030 và khiến Việt Nam mất khoảng 12% - 14.5% GDP mỗi năm từ năm 2050.
Lan Anh