Chủ nhật, 24/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 06:15 (GMT+7)

Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, săn bắn trộm động vật hoang dã... đang khiến các loài động, thực vật đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng hàng loạt. Việc bảo vệ hệ sinh thái trên Trái đất chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay.

Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái - Ảnh 1
Báo động về tình trạng suy thoái các hệ sinh thái ven biển. (Ảnh minh họa: Internet)

Thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”

Con người có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Thiên nhiên cho chúng ta không khí để thở, nước sạch để uống, đất đai màu mỡ để trồng trọt chăn nuôi, thức ăn phong phú để sống khỏe mạnh và chống lại bệnh tật. Thiên nhiên giúp các nhà khoa học tìm hiểu về chức năng sinh lý của con người và cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, một điều đáng buồn, con người đang khai thác thiên nhiên vượt quá khả năng tái sinh. Trong 50 năm trở lại đây, dân số thế giới tăng gấp đôi, kinh tế thế giới đã tăng gần gấp 4 lần và thương mại toàn cầu đã tăng tới 10 lần. Nhưng đi kèm với đó, thiên nhiên đang bị tàn phá với “tốc độ hủy diệt”.

Diện tích rừng suy giảm do nạn phá rừng, chỉ trong vòng 5 năm (2010 – 2015), 32 triệu ha rừng biến mất. Băng đang tan với tốc độ phi mã khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 - 2019, trong khi tốc độ axit hóa đại dương tăng chóng mặt. Nước biển dâng, đất xói mòn, ô nhiễm không khí… Khoảng 20% các loài thú hoang đã biến mất so với đầu thế kỷ XX, 40% các loại ếch, nhái, 1/3 số lượng san hô, cá mập hay động vật biển cũng không còn.

Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái - Ảnh 2
Diện tích rừng trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố năm ngoái trên cơ sở nghiên cứu của hơn 150 nhà khoa học, trong số 8 triệu loài động, thực vật đang tồn tại có tới 1 triệu loài có nguy cơ biến mất khỏi Trái đất trước sự tàn phá của con người. Dự báo trong 10 năm tới, cứ 4 loài mà con người biết sẽ có một loài bị xóa sổ hoàn toàn. Quá trình “hủy diệt sinh học” – tức quá trình mất dần vĩnh viễn của các loài trên Trái đất – hiện đang diễn ra nhanh gấp 4.000 lần so với thời kỳ khủng long.

Theo báo cáo mới công bố của Vườn thực vật Hoàng gia Kew, 2/5 tổng số các loài thực vật trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng do thế giới tự nhiên bị phá hủy.

Thực vật và nấm tạo ra nền móng sự sống trên Trái đất nhưng giới khoa học hiện đang chạy đua với thời gian để tìm ra và xác định các loài trước khi chúng biến mất.

Những loài chưa được biết và nhiều loài đã được ghi nhận là “rương báu” chứa đầy lương thực, dược vật và sinh khối có thể giải quyết được nhiều thách thức khó khăn nhất của nhân loại, có tiềm năng chữa được cả những vi sinh gây ra virus corona và đại dịch khác.

“Chúng ta không thể sống sót nếu thiếu thực vật và nấm – sự sống phụ thuộc vào chúng – và đã đến lúc mở rương báu”, theo GS. Alexandre Antonelli, Giám đốc khoa học thuộc Vườn thực vật Hoàng gia Kew – tổ chức lĩnh xướng nghiên cứu với sự tham gia của 210 nhà khoa học thuộc 42 quốc gia này.

“Mỗi khi mất một loài là chúng ta mất đi một cơ hội cho nhân loại. Chúng ta đang thua trong cuộc chạy đua với thời gian vì các loài mất đi nhanh hơn tốc độ chúng ta tìm ra và định danh chúng”.

Con người chính là thủ phạm

Theo kế hoạch cứu hệ sinh thái vào năm 2030 của Liên hợp quốc, 30% diện tích đất liền và biển trên Trái đất sẽ trở thành khu vực được bảo vệ vào năm 2030 nhằm bảo đảm khả năng sinh tồn của hệ sinh thái vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với nhân loại.

Đây sẽ là một tiến trình tương tự với tiến trình đàm phán để đạt được Hiệp định Paris 2015 về Biến đổi khí hậu (BĐKH). Kế hoạch này cũng kêu gọi đề ra các giải pháp ứng phó với BĐKH dựa trên cơ sở bảo tồn tự nhiên như tái trồng rừng, bảo vệ các vùng đầm lầy và tái tạo đất.

Kế hoạch trên của Liên hợp quốc đã nhận được sự hoan nghênh của giới chuyên gia và các nhà môi trường học trên thế giới. Hiện nay, thế giới đang đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài từ động vật đến thực vật. Sự biến mất nhanh chóng và với tốc độ chưa từng thấy của các quần thể động, thực vật hoang dã có liên quan trực tiếp đến BĐKH, nạn phá rừng, buôn lậu và săn bắn trộm, canh tác nông nghiệp thiếu bền vững và ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng BĐKH hiện nay càng đẩy nhanh tốc độ “biến mất” của các loài.

Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái - Ảnh 3
Các quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm hơn 2/3 trong vòng chưa đầy 50 năm, trong đó có cả loài voi. (Ảnh: PA)

Trong báo cáo với tiêu đề "Tình trạng tự nhiên" hồi năm ngoái, Liên hợp quốc cảnh báo 1 triệu loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng mà thủ phạm chính là con người. Thậm chí trong những thập kỷ gần đây, loài người hiện đại đã ăn, săn bắn và đầu độc nhiều loài tới bờ vực của quên lãng và đẩy các loài khác đến bờ tuyệt chủng.

Đây là một xu hướng cần phải được nhanh chóng ngăn chặn. Bởi tất cả các loài, bao gồm cả động vật và thực vật, đều có vai trò quan trọng. Tất cả các loài trên hành tinh này có một vị trí độc nhất trong chuỗi thức ăn, đóng góp cho hệ sinh thái theo cách riêng của nó. Nếu hệ sinh thái bị mất cân bằng, khả năng duy trì và đáp ứng nhu cầu các loài, trong đó bao gồm cả con người, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Việc phục hồi đúng cách 30% hệ sinh thái, vốn từ lâu được sử dụng để phục vụ cho nông nghiệp và các nhu cầu khác của con người, có thể giúp bảo vệ 70% các loài động, thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng và giúp hấp thụ 50% lượng CO2 mà con người đã thải vào khí quyển kể từ cuộc Cách mạng công nghiệp.

Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu về kế hoạch "chữa lành" Trái đất được công bố ngày 14/10 vừa qua.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Bernardo Strassburg, Giám đốc Viện quốc tế về bền vững, nỗ lực khôi phục các khu vực ưu tiên sẽ đóng góp lớn giúp nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và đa dạng sinh học. Nghiên cứu nhấn mạnh việc khôi phục các vùng đầm lầy về trạng thái tự nhiên sẽ mang lại lợi tức đầu tư cao nhất, cả trong việc ngăn ngừa các loài động, thực vật biến mất lẫn làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu.

Trong khi đó, các khu rừng nhiệt đới là khu vực ưu tiên phục hồi bậc hai mặc dù tất cả các hệ sinh thái khác nhau, bao gồm các khu rừng ôn đới, thảo nguyên và các vùng đất có nhiều bụi rậm, cũng có vai trò nhất định.

Nhìn chung, các khu vực được ưu tiên để phục hồi theo kế hoạch trên có diện tích gần 9 triệu km2, gần bằng diện tích của Brazil. Nghiên cứu cũng xét tới chi phí, kết luận rằng việc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt sẽ giúp tiết kiệm chi phí ít nhất 10 lần so với các nỗ lực phân bổ một cách ngẫu nhiên.

Mặc dù vậy, việc phục hồi nguyên trạng đất nông nghiệp trong một thế giới vẫn còn vật lộn với tình trạng đói kém trong khi dân số được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỉ người cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực. Nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng năng suất nông nghiệp khiêm tốn, nỗ lực giảm 50% chất thải thực phẩm và việc con người thay đổi chế độ ăn khi cắt giảm lượng thịt và sữa sẽ giúp kế hoạch trên trở nên khả thi.

Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái - Ảnh 4

Ông Strassburg nhấn mạnh việc khôi phục nguyên trạng đất nông nghiệp không phải là điều dễ dàng và đòi hỏi sự phối hợp chung giữa người dân và chính phủ các nước trên thế giới.

Liên hợp quốc gọi những năm 20 của thế kỷ này là Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái. Nhiều công ty coi việc đổi mới môi trường tự nhiên là "những mục tiêu dễ đạt được" với chi phí thấp hơn nhiều so với các giải pháp kỹ thuật hoặc công nghệ. Tuy nhiên, ông Strassburg cho biết điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các quốc gia có chọn đi theo con đường "phục hồi xanh" sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 hay không.

Cho tới nay, những nỗ lực bảo vệ và khôi phục thiên nhiên trên quy mô toàn cầu đã gặp nhiều thất bại. "Hành tinh Xanh" đang cận kề bờ vực của cuộc đại tuyệt chủng lần 6, khi các loài động, thực vật có thể biến mất nhanh gấp 100 tới 1.000 lần so với tốc độ bình thường.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Cấp thiết bảo vệ các hệ sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới