Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ tư, 18/11/2020 10:19 (GMT+7)

Cây cao su, hồ tiêu có được tính vào tỉ lệ che phủ rừng?

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định, cây hồ tiêu, cà phê không được tính vào tỉ lệ che phủ rừng, còn cao su nếu được trồng vào đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính.

Cây cao su, hồ tiêu có được tính vào tỉ lệ che phủ rừng? - Ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp cho rằng, hiện nay cây cao su, cà phê, tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, cây tiêu, cây cà phê không được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

Trước đó, tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về diện tích rừng tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội năm 2020, nữ Đại biểu Quốc hội Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho biết, trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp, Quốc hội liên tục được nghe những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ.

Theo ĐBQH Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp, hiện nay, cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

“Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”, nữ đại biểu Quốc hội Gia Lai nói.

Tuy nhiên, trong báo cáo về độ che phủ rừng giai đoạn 2011 - 2019, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Luật lâm nghiệp năm 2017 quy định rừng là một hệ sinh thái, thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa... và diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên, độ tàn che từ 0,1 trở lên.

Về tiêu chí xác định rừng, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định cây hạt tiêu, cây cà phê không được tính tỉ lệ che phủ rừng. Còn cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng.

Cây cao su, hồ tiêu có được tính vào tỉ lệ che phủ rừng? - Ảnh 2
Cây cao su là cây đa mục tiêu, nếu trồng trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp mới được tính vào tỉ lệ che phủ rừng. (Ảnh: Internet)

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ năm 2017 đến nay các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát chặt chẽ với 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng với tổng diện tích đề nghị là 183.740ha, trong đó rừng tự nhiên 39.133ha, rừng trồng 74.242ha, còn lại là đất chưa có rừng và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với dự án theo đúng quy định pháp luật, thực sự cấp thiết đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và dự án quốc phòng, an ninh đối với 133 dự án với diện tích 3.325ha. Trong các dự án này, không có dự án mở mới xây dựng công trình thủy điện.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng như tỉ lệ che phủ rừng tăng từ 39,7% năm 2011 lên 41,89% năm 2019, rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ và tập trung khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục hồi.

Cũng theo thống kê giai đoạn 2011 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 22.800 ha (do cháy rừng 13.717 ha, phá rừng 9.073 ha).

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng vẫn còn một số tồn tại như tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra, còn điểm nóng về phá rừng.

Nguyên nhân là do tình trạng di dân tự do vẫn còn diễn ra ở một số nơi, người dân phá rừng để lấy đất trồng rừng, chuyển sang trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp; khai thác gỗ có giá trị thương mại cao tại một số khu rừng tự nhiên còn gỗ quý. Chính quyền cơ sở ở một số nơi còn thiếu kiên quyết để ngăn chặn việc phá rừng.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Cây cao su, hồ tiêu có được tính vào tỉ lệ che phủ rừng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới