Chất lượng không khí duy trì ở mức tốt tại nhiều đô thị
Ngày 30/5, trên bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí của một số ứng dụng cho thấy, chất lượng không khí ở hầu hết các khu vực trên cả 3 miền đều ở mức tốt.
Theo ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận vào thời điểm 12 giờ ngày 30/5, điểm quan trắc tại phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) có chỉ số chất lượng không khí là 111 (ở mức kém).
Còn theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), trên cả nước có một điểm quan trắc tại Thư viện xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho chỉ số chất lượng không khí là 112 (ở mức kém).
Đây là hai điểm quan trắc duy nhất trên toàn quốc có chỉ số chất lượng không khí thuộc mức kém (những người nhạy cảm sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng), phần lớn các điểm quan trắc còn lại cho chất lượng không khí tốt và trung bình.
Theo ứng dụng VN Air, ngày 30/5, các điểm quan trắc chất lượng không khí còn lại tại cả ba miền phần lớn ở mức tốt cho sức khoẻ. Một số điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình gồm: thôn Phù Xá, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh); Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Ứng dụng PAM Air cũng cho thấy, ngày 30/5, thông số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc trên toàn quốc phần lớn ở mức tốt cho sức khoẻ. Tại miền Bắc, ứng dụng này ghi nhận một điểm quan trắc có chỉ số chất lượng không khí là 112 (ở mức kém) tại Thư viện xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tại Hà Nội, ứng dụng này ghi nhận một số điểm quan trắc có chỉ số trung bình gồm: Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ - Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (huyện Thạch Thất), xã Cổ Đông (Thị xã Sơn Tây). Tại khu vực miền Nam, ứng dụng này ghi nhận các điểm quan trắc đều cho chỉ số chất lượng không khí tốt; duy nhất điểm quan trắc tại trường Tiểu học Tân Phong B (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho chất lượng không khí ở mức trung bình.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nội dung phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc nội dung phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung của Chỉ thị.
Bộ tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; khẩn trương xây dựng và triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
Ô nhiễm không khí nguyên nhân hàng đầu gây ung thư
Trong một nghiên cứu mới từ Đại học Stony Brook ở New York cho thấy chỉ có 10% - 30% bệnh ung thư bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân không giải thích được. Còn lại 70% đến 90% là kết quả của các yếu tố môi trường hoặc thói quen sinh hoạt cá nhân – theo ViCare.
Thống kê gần đây nhất có tới 223.000 người tử vong vì ung thư phổi mỗi năm ở khắp nơi trên thế giới do ô nhiễm không khí gây ra. Trong đó, hơn một nửa các trường hợp tử vong được cho là ở Trung Quốc và các nước Đông Á khác. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng tạo nên các thành phố đầy khói bụi điển hình như Bắc Kinh.
Tiến sĩ Rachel Thompson, từ quỹ nghiên cứu ung thư quốc tế nhấn mạnh: “Bằng chứng này xác nhận một lần nữa rằng các chính phủ, các nền công nghiệp, các công ty đa quốc gia cần nhanh chóng hướng sự chú ý tới những tác nhân môi trường gây ung thư. Tuy nhiên, bản thân mỗi người cũng có thể làm nhiều điều để tự mình giảm thiểu khả năng phát triển bệnh như vận động nhiều hơn và tuân theo một chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe”.
Minh Phương