Chỉ số MXV-Index cán mốc cao nhất 9 tháng
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 22-28/4, thị trường hàng hoá ghi nhận nhiều mặt hàng có mức độ biến động lớn.
Mặc dù xu hướng giá có phần trái chiều, nhưng lực mua áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,22% lên 2.334 điểm, đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua.
Nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng tăng của toàn thị trường trong tuần qua, với 6/7 mặt hàng kết thúc trong sắc xanh. Đáng chú ý nhất là mức tăng ấn tượng trên 12% của giá lúa mì Kansas và gần 10% của giá lúa mì Chicago.
Trái ngược lại, một số mặt hàng nguyên liệu công nghiệp cho thấy đà giảm sâu, đặc biệt là sự hạ nhiệt của giá ca-cao sau 6 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, giá cà phê Arabica và Robusta ở cùng nhóm lại có biến động trái chiều. Thị trường duy trì sự sôi động, với giá trị giao dịch đạt trung bình gần 6.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Lúa mì có tuần tăng giá mạnh nhất 11 tháng
Hồi phục gần 10%, lúa mì Chicago ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2023. Tâm lý lo ngại về triển vọng nguồn cung tại các nước sản xuất lớn ở phía bắc bán cầu chính là động lực chính thúc đẩy đà tăng của giá.
Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ, tỉ lệ lúa mì vụ đông của Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc 21/04 là 50%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 54%. Thời tiết lạnh giá và tuyết xuất hiện ở đồng bằng phía Nam đã cản trở quá trình phát triển của cây trồng.
Tương tự Mỹ, các nước châu Âu như Pháp, Đức và Ba Lan cũng đang phải đối mặt với rủi ro sương giá sau giai đoạn ngủ đông. Trước đó, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2024/2025 của khối EU sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 do mưa lớn làm gián đoạn việc trồng trọt vào mùa thu năm ngoái. Nếu như thời tiết bất lợi tiếp tục kéo dài, làm năng suất cây trồng sụt giảm thì số liệu thực tế sẽ còn xuống mức thấp hơn nữa.
Ngoài ra, khô hạn ở miền Nam nước Nga đang đe doạ mùa vụ lúa mì. Đây là lần đầu tiên trong niên vụ 2023/2024, hãng tư vấn Sovecon hạ dự báo sản lượng lúa mì năm 2024 của Nga xuống 93 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với ước tính trước đó.
Mặc dù giá lúa mì thế giới tăng vọt, giá lúa mì giao tháng 5 tại cảng Cái Lân và Hải Phòng trong nước hiện vẫn cho thấy sự ổn định vào tuần qua, với khoảng 6.350 – 6.400 VNĐ/kg đối với lúa mì Australia và khoảng 6.250 - 6.300 VNĐ/kg đối với lúa mì Nam Mỹ.
Giá Robusta tăng tuần thứ 9 liên tiếp, giá Arabica hạ nhiệt
Trái ngược với xu hướng tăng đồng đều ở nhóm nông sản, các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp lại cho thấy biến động khá trái chiều.
Giá Robusta nối tiếp đà tăng sang tuần thứ 9 liên tiếp, thiết lập mức giá cao nhất trong lịch sử do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Khô nóng tiếp diễn tại Việt Nam, kéo theo lo ngại về nguồn cung cà phê vụ 2024/2025 sụt giảm. Điều này đã tiếp tục đẩy giá lên cao.
Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu lớn Brazil đã bắt đầu thu hoạch nhưng thị trường lại kỳ vọng nguồn cung sẽ giảm. Nguyên nhân là do nắng nóng đỉnh điểm vào cuối năm 2023 kéo theo rủi ro sản lượng cà phê Robusta đang thu hoạch sẽ giảm 5-10%. Sức ép nguồn cung càng gia tăng khi Indonesia hoãn giai đoạn thu hoạch sang tháng 6 do cà phê chín muộn.
Ngược chiều với diễn biến Robusta, giá Arabica giảm từ mức cao nhất trong 1 năm rưỡi do nguồn cung được cải thiện.
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US kết thúc tuần ở mức 656.657 bao loại 60 kg, tăng 13.567 bao, tương đương 2,1% so với tuần trước.
Ngoài ra, trong 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng 4/2024, Brazil xuất khẩu trung bình 13.900 tấn cà phê chưa rang mỗi ngày, tăng 81,4% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu cà phê rang, chiết xuất, tinh chất cà phê và chất cô đặc trung bình 449 tấn mỗi ngày trong 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng 4/2024, tăng 6,4% so với tháng 4 năm 2023, từ đó tạo sức ép cho giá.
Ca cao cũng là mặt hàng biến động mạnh khi giảm sâu tới hơn 7% sau 6 tuần tăng liên tiếp. Hoạt động xuất khẩu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đã thúc đẩy lực bán. Tính từ đầu vụ tháng 10/2023 đến 21/4/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,33 triệu tấn, giảm mạnh 30% so với cùng kỳ vụ trước.