Chiếu sáng đô thị: Sử dụng năng lượng hiệu quả, thực hiện cam kết 'Net Zero’
Hệ thống chiếu sáng công cộng là một phần tất yếu của đô thị. Việc triển khai các dự án nhằm góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị; đồng thời làm giảm phát thải 1,32 triệu tấn CO2 và tiết kiệm 245 triệu USD chi phí trong 10 năm tới...
Chỉ có 3 đô thị trên cả nước thực hiện quy định Quy hoạch chiếu sáng đô thị
Hệ thống đèn chiếu sáng đô thị không chỉ góp phần bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mà còn có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan thành phố. Không thể phủ nhận những mặt tích cực của hệ thống chiếu sáng đô thị khiến thành phố sầm uất, hiện đại hơn, song việc quản lý, vận hành chiếu sáng hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn khá nhiều vấn đề tháo gỡ.
Hiện nay, điện năng dùng cho chiếu sáng của Việt Nam chiếm khoảng 25% điện năng tiêu thụ của cả nước, cao hơn nhiều so mức trung bình 20% trên thế giới. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả.
Nguyên nhân xuất phát từ tiêu chuẩn sản phẩm chiếu sáng hiện hành hầu hết được ban hành từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, không còn phù hợp thực tế hiện nay. Các tiêu chuẩn chiếu sáng thiếu đồng bộ, không thống nhất về các chỉ tiêu độ rọi, độ chói và chất lượng ánh sáng; chưa có các quy định cụ thể về giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Được biết, Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 về quản lý chiếu sáng đô thị cũng như Luật Quy hoạch đô thị đã có quy định Quy hoạch chiếu sáng đô thị phải được lập thành đồ án riêng cho các đô thị trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 3 đô thị thực hiện quy định này, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đối với các đô thị còn lại, quy hoạch chiếu sáng là một nội dung của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị. Thế nhưng, nội dung này được đề cập rất sơ sài, không cụ thể từ lựa chọn tiêu chuẩn, nguồn cung cấp năng lượng, nguồn và thiết bị chiếu sáng, các giải pháp chiếu sáng theo đối tượng sử dụng… Đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự thiếu kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn để có danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư cho chiếu sáng đô thị.
Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch chiếu sáng đô thị đang dẫn đến tình trạng chồng chéo, lộn xộn, thậm chí là lãng phí điện tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Đơn cử như tại Hà Nội, khi triển khai xây dựng tổng sơ đồ hệ thống chiếu sáng thành phố chỉ giới hạn trong phạm vi các quận nội thành. Kết quả là ngoài các tuyến chiếu sáng được xây dựng, cải tạo nâng cấp mới theo quy hoạch thì hiện vẫn còn hàng chục nghìn bộ đèn được sản xuất với trình độ công nghệ thấp, có hiệu suất phát quang thấp, chiếm 40% tổng số đèn trên lưới nhưng vẫn đang sử dụng tại nhiều khu vực. Điều đáng nói, chính các bộ đèn này đã và đang gây lãng phí điện nghiêm trọng.
Việc chỉ có kế hoạch hằng năm nên không chủ động được kế hoạch đầu tư phát triển. Vì vậy, khi triển khai công trình chiếu sáng công cộng chỉ giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, công tác quản lý chiếu sáng đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy hoạch được xây dựng nhưng nội dung chiếu sáng chỉ được đề cập rất sơ lược, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị. Việc đầu tư cho hệ thống chiếu sáng đô thị chưa được quan tâm đúng mức so tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa.
Cùng với đó, công tác quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng chưa thống nhất, tập trung quá nhiều đầu mối dẫn đến tình trạng lãng phí điện không cần thiết.
Đầu tư 160 triệu USD cải thiện cảnh quan đô thị
Ngày 27/4/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn “Nâng cao quản lý và sử dụng hiệu quả năng lượng trong chiếu sáng đô thị Việt Nam”. Hội thảo do Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức.
Theo Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương, chiếu sáng đô thị là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị. Trong khoảng trên 10 năm qua, chiếu sáng nói chung và chiếu sáng các đô thị ở Việt Nam nói riêng đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những bảo đảm được yêu cầu về công năng chiếu sáng mà còn ngày càng bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
Theo đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị, Quyết định số 1874/QĐ-TTg về Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 và các thông tư hướng dẫn cùng với hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá xây dựng, duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị.
Để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới trong các lĩnh vực chiếu sáng đô thị và tòa nhà công cộng tại 6 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh), các chuyên gia tư vấn của ADB và các địa phương đang đề xuất các cơ hội đầu tư dự kiến khoảng 160 triệu USD.
Việc triển khai các dự án trên nhằm góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị; tạo việc làm và nâng cao chất lượng sống của người dân đồng thời làm giảm phát thải 1,32 triệu tấn CO2 và tiết kiệm 245 triệu USD chi phí trong 10 năm tới...
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp của ADB, cho biết: “Tài chính khí hậu là một phần quan trọng trong nỗ lực của ADB nhằm hỗ trợ các nước thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Có thể thấy, hệ thống chiếu sáng công cộng là một phần tất yếu của đô thị, bất kỳ cảnh quan kiến trúc nào cũng cần phải có, không chỉ góp phần tạo mỹ quan mà còn xác định bản sắc cho bất cứ thành phố nào trên thế giới. Do đó, “ADB sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các mục tiêu và hoạt động chính của dự án SEECP có thể đóng vai trò là mô hình cho những dự án năng lượng và khí hậu tiếp theo, nhằm góp phần vào mục tiêu không phát thải carbon của Việt Nam vào năm 2050”, bà Hyunjung Lee nhấn mạnh.
Lan Anh