Tỉ phú chủ hãng Amazon chi 2 tỉ USD để quyết 'khôi phục thiên nhiên, cứu thế giới'
Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Bezos cam kết dùng 2 tỉ USD từ Quỹ Trái Đất Bezos để phục hồi thiên nhiên và phát triển lương thực bền vững.
Ngày 2/11, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh), tỉ phú Jeff Bezos nói: Ông đã thấy được tính mong manh của thiên nhiên khi ông bay vào vũ trụ. Đồng thời, cam kết dành 1 tỉ USD hỗ trợ khôi phục thiên nhiên, với trọng tâm ban đầu tại châu Phi và Mỹ.
Tại Glasgow, nhà sáng lập hãng bán lẻ online lớn nhất thế giới mô tả trải nghiệm đi trên tàu vũ trụ New Shepard của ông hồi tháng Bảy như sự khám phá về tính dễ tổn thương của Trái Đất.
"Tôi được báo trước là việc nhìn Trái Đất từ vũ trụ sẽ làm thay đổi lăng kính bạn nhìn nhận thế giới, nhưng tôi không mường tượng được là điều đó lại đúng tới mức nào. Nhìn xuống Trái Đất từ trên đó, bầu khí quyển dường như rất mỏng, thế giới thật có hạn và rất mong manh. Giờ đây, trong năm quan trọng này và ở thời điểm mà chúng ta đều biết là thập kỷ mang tính quyết định, chúng ta phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ thế giới của chúng ta", ông nói.
Nhà sáng lập Amazon đã sử dụng số tiền từ việc bán cổ phiếu để tài trợ cho công ty tên lửa Blue Origin. Ngoài ra, ông còn cam kết 10 tỉ USD để rót vào Bezos Earth Fund để giúp chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với Trái Đất. Trong tuyên bố mới nhất, Bezos muốn dành 1 tỉ USD để hỗ trợ phục hồi tự nhiên với sự tập trung ban đầu vào khu vực châu Phi và Mỹ. 1 tỉ USD còn lại là dành cho hệ thống lương thực và nông nghiệp.
Theo đó, 1 tỉ USD sẽ được dùng cho các dự án chủ yếu tại Mỹ và châu Phi để trồng cây và hồi sinh đồng cỏ. Quỹ Trái Đất Bezos sẽ hợp tác cùng với các tổ chức thuộc sở hữu của châu Phi, bao gồm cả AFR100 trong quá trình khôi phục lại cảnh quan châu Phi.
Bên cạnh đó, các sáng kiến 20 cảnh quan ở Mỹ giúp khôi phục lại các khu vực có hàm lượng khí carbon cao và thúc đẩy đa dạng sinh học. Khoảng 40% số tiền tài trợ sẽ hướng đến các vấn đề ít được chú ý đến.
1 tỉ USD còn lại sẽ dành cho việc tăng sản lượng lương thực. Hiện chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được công bố, chỉ biết rằng Quỹ Trái Đất Bezos sẽ hướng đến việc tạo ra năng suất cây trồng cao hơn, giảm lãng phí thực phẩm và tập trung vào chế độ ăn dựa trên thực vật.
“Chúng ta phải bảo tồn những gì mà ta đang có, khôi phục những thứ đã mất và phát triển những gì ta cần có trong quá trình chung sống hài hòa với thiên nhiên. Đầu tư vào thiên nhiên thông qua các phương pháp truyền thống phối hợp với sự đổi mới là điều cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu, tăng cường đa dạng sinh học, bảo vệ thế giới tự nhiên và tạo ra một tương lai tươi sáng” - Jeff Bezos cho biết trong một tuyên bố.
Đây là nỗ lực của Jeff Bezos nhằm hỗ trợ thực hiện dự án Great Green Wall, nhằm mục tiêu trồng 20 triệu cây xanh suốt bề ngang châu Phi và ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa.
Bezos nói trước các nhà lãnh đạo tại COP26 rằng: “Chúng ta đều biết đây là thập kỉ quyết định, nhưng nếu không hành động, nó sẽ biến thành thập kỉ của do dự. Ta không thể để điều đó xảy ra, hãy coi chúng tôi là đồng minh trong sứ mệnh quan trọng này”.
Hồi cuối tháng 9, Bezos đã từng công bố kế hoạch của mình với 1 tỉ USD thứ 3 trong quỹ của mình.
Số tiền này sẽ được dùng để bảo tồn các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới, đầu tiên là lưu vực Mê Công, dãy Andes nhiệt đới và Thái Bình Dương. Ngoài thiên nhiên và môi trường, Quỹ Trái Đất cũng liệt kê các lĩnh vực mà họ quan tâm khác, như hạn chế carbon trong sản xuất, kinh tế, tài chính thị trường.
Điều này cho thấy cách tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của ông Bezos cũng khác hẳn so với nhà đồng sáng lập Microsoft, tỉ phú Bill Gates. Vào năm 2016, Bill Gates cùng các nhà đầu tư khác đã tạo ra một quỹ khí hậu 1 tỉ USD dành riêng cho việc hỗ trợ các startup đang có các sản phẩm có thể giải quyết những thách thức công nghệ khó khăn nhất của năng lượng sạch.
Nguyễn Thị Linh (T/h)