Chủ nhật, 24/11/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ tư, 12/05/2021 10:42 (GMT+7)

Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Yêu cầu về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, khoa học công nghệ, đổi mới chuyển đổi số, khát vọng vươn lên, khu vực tư nhân được chú trọng cùng với lợi thế cơ cấu dân số trẻ là cơ hội tốt để Việt Nam thực hiện chuyển dịch năng lượng.

Cơ hội chuyển dịch sang năng lượng sạch cho Việt Nam

Trình bày tham luận "Chuyển dịch năng lượng toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam", bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) khẳng định, hiện nay tồn tại nhiều cơ hội chuyển dịch sang năng lượng sạch cho Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn và nổi trội ở khu vực. Bên cạnh đó, tiềm năng điện mặt trời vẫn còn rất lớn, có thể thể phát triển ở các quy mô khác nhau và có cơ hội kết hợp giữa các công nghệ năng lượng và giữa năng lượng tái tạo với nông nghiệp để tạo ra nhiều lợi ích. Thủy điện là nguồn điều tần có chi phí thấp cho Việt Nam cũng là một trong những cơ hội được nhắc đến. Nguồn thủy điện Việt Nam có thể gia tăng bởi nhập khẩu từ Lào.

Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2) - Ảnh 1
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID). 

Theo đánh giá, pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch. Trong đó, pin tích năng là công nghệ lõi cho điện khí hóa lĩnh vực giao thông, hỗ trợ gia tăng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo có tính dao động như gió, mặt trời. Còn hydro sạch đóng vai trò quan trọng trong giảm cac bon trong các lĩnh vực vận tải đường biển, vận tải đường không, vận tải đường bộ, công nghiệp sắt thép, công nghiệp hóa chất.

Song bà Khanh cho rằng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là giải pháp đầu tiên, cần thiết đẩy mạnh Chương trình quản lý nhu cầu và Chương trình điều chỉnh phụ tải, đảm bảo cung ứng điện và nâng cao hiệu quả chung của hệ thống điện.

Theo bà Khanh, thực hiện chuyển dịch năng lượng sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, đầu tiên an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo tốt hơn. Giảm được tác động với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời tạo động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, chuyển dịch năng lượng còn tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu xa, hẻo lánh. Vốn đầu tư và chi phí sản xuất điện của kịch bản chuyển dịch thấp hơn kịch bản thông thường. Ngoài ra, quá trình này giúp tạo việc làm mới và môi trường làm việc ít độc hại, không gây mất việc làm như trong ngành than và nhà máy điện than hiện tại. Bên cạnh đó, mức lương của người lao động trong ngành mới này cũng được đánh giá là cạnh tranh và xếp hạng tốt.

Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2) - Ảnh 2
Chuyển dịch năng lượng đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam. 

Ngoài những lợi ích nêu trên, bà Khanh còn chỉ ra rằng, chuyển dịch năng lượng đem lại cơ hội cho đổi mới sáng tạo và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Việt Nam, quá trình này đã tạo thị trường cho sự tham gia của các tập đoàn tư nhân trong nước và hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất điện. Năng lượng mặt trời có thể được khai thác mà không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và không nhất thiết phải thu hồi đất, giúp tăng hiệu suất sử dụng đất, có thể lên đến 60%, thêm nguồn thu nhập cho người nông dân. Đây được đánh giá là mô hình mang lại lợi ích cho nhiều bên.

Thách thức nào đang thường trực?

Theo Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), bà Ngụy Thị Khanh, bên cạnh những cơ hội, chuyển dịch năng lượng bền vững đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, nhu cầu sử dụng đất lớn trong các dự án có thể dẫn tới rủi ro xung đột đất đai nếu không có giải pháp căn cơ.

Việc đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện là một thách thức lớn. Việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch, nhất là ở các địa phương còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa còn chậm chạp.

Bên cạnh đó, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo, chúng ta cũng chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn.

Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2) - Ảnh 3
Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo là một trong những thách thức lớn. 

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo chưa đồng bộ, chưa đóng vai trò dẫn dắt và tạo động lực đầu tư vì ngắn hạn, thiếu ổn định, chưa rõ ràng (fit ngắn hạn, chưa có cơ chế thay thế khi hết hạn), Việt Nam khó tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ hội và thách nhiều như nhau tuy nhiên vẫn xuất hiện cơ hội vàng. Thách thức lớn nhất là nhận diện đầy đủ về cơ hội vàng để vươn lên nhanh và quyết liệt trong hành động.

Đồng quan điểm với bà Ngụy Thị Khanh, PGS.TS Bùi Quang Tuấn thừa nhận chất lượng nguồn nhân lực nội địa còn thấp, đây cũng là trở ngại lớn dẫn đến việc khó nắm bắt cơ hội phát triển. Ngoài ra, tư duy giữa “nâu” và “xanh”, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp… cũng là những thách thức lớn cần có hướng giải quyết.

Kỳ 3: Chuyển dịch năng lượng: Nhận diện nguồn lực đầu tư tại Việt Nam

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Chuyển dịch năng lượng: Nắm bắt cơ hội vàng, vượt qua thách thức (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới