Chủ nhật, 24/11/2024 07:29 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/06/2021 07:21 (GMT+7)

Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí đều xác định chuyển đổi số chính là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt để tồn tại và phát triển.

Đúng – sai, “lằn ranh mỏng manh” trên môi trường số

Ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết trong kỷ nguyên số hiện nay, có một số vấn đề mà giới báo chí và xã hội đang hết sức quan tâm. Đó là làm thế nào để đạo đức của người làm báo trong hoạt động báo chí được đề cao và thực hiện nghiêm chỉnh, cũng như các cơ quan báo chí cần làm gì để phát triển lành mạnh, phù hợp với đạo lý và truyền thống văn hóa của dân tộc, và quan trọng nhất là giữ được niềm tin của công chúng đối với báo chí.

Ông Minh khẳng định mặt tích cực của áp dụng công nghệ trong báo chí dẫn đến việc tác nghiệp báo chí và thụ hưởng báo chí chưa bao giờ được thuận lợi như hiện nay. Tuy nhiên, cũng chưa bao giờ báo chí lại phải đối mặt với những thách thức và hệ lụy từ sự chi phối và dẫn dắt của mạng xã hội như bây giờ. Trong đó, vấn đề nhà báo hành xử thiếu “chuẩn mực” trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Phan Hữu Minh, sau 3 năm kể từ khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội đến nay, đã có 11 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm Quy tắc sử dụng mạng xã hội đã phải chịu các hình thức kỷ luật. Hội Nhà báo các cấp cũng đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho hơn 300 trường hợp hội viên nhà báo chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.

Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề - Ảnh 1
 Nhà báo Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhận định về việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng ranh giới giữa đúng và sai trên môi trường mạng nói chung và trên các nền tảng mạng xã hội là “rất mong manh”, do đó nhà báo càng cần phải đề cao trách nhiệm nghề nghiệp. Khi ý thức được những cạm bẫy, thách thức trên môi trường số thì nhà báo sẽ không vượt qua giới hạn đạo đức nghề nghiệp.

Về nguyên nhân dẫn đến các sai phạm thường thấy, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng trước hết cần phải hiểu là các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để thu hút và “giữ chân” một lượng người dùng đông nhất có thể dựa trên tâm lý của người sử dụng. Các nền tảng mạng xã hội thường được thiết kế để tác động vào những cảm xúc nhất thời, qua đó mở rộng không gian biểu đạt của người dùng. Khi mọi người đều được trao quyền “biểu đạt” như nhau thì dễ dẫn đến trường hợp người này xâm phạm quyền của người khác.

Dẫn thí dụ một số nhà báo, cơ quan báo chí đang “chạy theo mạng xã hội” khi đưa tin, bình luận về việc lộ lọt tin nhắn của cầu thủ bóng đá, hay vụ livestream “bóc phốt” gần đây... đang gây tác động rất tiêu cực tới xã hội, ông Lâm cho rằng đây chính là điển hình của việc không phân biệt được rạch ròi đâu là không gian công cộng và đâu là không gian riêng tư.

Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề - Ảnh 2
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Hữu Nghĩa)

Ông Lâm đưa ra khuyến cáo, để không dẫn đến các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trên không gian mạng, nhà báo trước hết cần phải tự kiểm soát được cảm xúc của bản thân trên môi trường này. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, Cục trưởng Cục Báo chí cũng bày tỏ niềm tin vào khả năng tự điều chỉnh của môi trường số.

Báo chí cần đề cao tính tự quản trên môi trường số

Theo bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đối với người làm báo, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, mặt trái của môi trường số đã tác động đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trở thành vấn đề nhức nhối, báo động. Nhiều loại vi phạm đã được chỉ ra như: Thông tin sai sự thật, thiếu khách quan, giật gân, câu khách; bỏ qua các nguyên tắc hành nghề, không kiểm chứng độ tin cậy, chính xác của nguồn tin; phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội; nhà báo “hai mặt; “nhà báo salon”... gây sụt giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, gây nhiều hệ quả tiêu cực với xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) dẫn số liệu thống kê tháng 1-2021 của Hootsuite cho biết, Việt Nam hiện có tới 72 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội đang hoạt động. Trong đó, hơn 94% số người dùng này chủ yếu sử dụng các ứng dụng chat và các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại di động; hơn 83% sử dụng các ứng dụng giải trí và xem video clip...Việc này dẫn đến tình trạng có quá nhiều “nhà báo công dân” đưa thông tin trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến hệ quả là tin giả tràn lan, báo chí thiếu kiểm chứng,...

Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề - Ảnh 3
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Trịnh Dũng)

Chia sẻ kinh nghiệm về chiến dịch chống Fake News của Thông tấn xã Việt Nam, ông Nhật cho rằng báo chí cần tăng năng lực tự quản, tự kiểm soát, tự điều chỉnh (Self Regulation); không khoan dung với tin giả, tin mang tính xúc phạm. Các cơ quan báo chí, nhà báo cần thúc đẩy truyền thông có trách nhiệm, tăng cường tiếp cận công chúng trên các phương tiện truyền thông mới; xây dựng sự tôn trọng của công chúng đối với các giá trị đạo đức; và quan trọng nhất là cần phải xây dựng, bồi đắp mối quan hệ tin cậy giữa công chúng và báo chí.

Đặc biệt, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang đẩy mạnh chuyển đổi số, các phóng viên, biên tập viên cần đề cao tính tự quản, tự kiểm soát; tránh xu hướng giật gân, tránh tình trạng xuất bản vội vã; luôn cân nhắc ngôn từ phù hợp, tránh kích động và đặc biệt cần phải kiểm chứng thông tin. Ông Nhật đưa ra khuyến cáo các cơ quan báo chí cần phải tạo ra một cơ chế tự quản trên môi trường số, và các nhà báo cần đề cao tính tự kiểm soát trên môi trường này.

Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề - Ảnh 4
Diễn đàn Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí, tháng 7/2020. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, theo ông Nhật, chuyển đổi số trong báo chí cũng đặt ra một số vấn đề mới về đạo đức báo chí cần sớm nghiên cứu và đưa ra những quy chuẩn, quy định.

“Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí, việc một số cơ quan báo chí thu thập dữ liệu độc giả, công chúng với mục đích nhằm phân phối nội dung tốt hơn đang là xu hướng chung. Tuy nhiên, nếu các cơ quan báo chí chia sẻ dữ liệu này với một bên thứ ba thì liệu có vi phạm đạo đức báo chí hay không, có xâm phạm quyền riêng tư hay không thì điều này chưa có quy định hay quy chuẩn cụ thể. Tôi nghĩ rằng các cơ quan quản lý cần sớm có quy định, quy chuẩn để báo chí tuân thủ”, ông Nhật cho biết.

Liên quan tới việc báo chí cần đề cao tính tự quản, Phó Tổng biên tập VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho biết đang tham gia biên soạn cuốn sách “Tự quản trong báo chí” do Viện Niras và Viện báo chí Fojo (Thụy Điển) bảo trợ.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình đào tạo kỹ năng cho các phóng viên và quản lý báo chí tại Việt Nam.

Trịnh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số trong báo chí và những vấn đề về đạo đức nghề. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới