Cúng sao giải hạn để cầu bình an - Sự thật là gì?
Năm mới, người Việt vẫn hay có thói quen lên chùa dâng sớ và cúng sao giải hạn để tránh chuyện không lành, cầu bình an may mắn. Tuy nhiên trong đạo Phật hoàn toàn không có nghi lễ này.
Nguồn gốc của cúng sao giải hạn
Nam La Hầu, nữ Kế Đô, Thái Bạch mất sạch cửa nhà… đây là những quan niệm truyền miệng trong dân gian, xuất phát từ những sao, hung tinh xấu cho từng mệnh nam và nữ, tùy theo từng năm. Nhiều người tin rằng có 9 sao nên cứ 9 năm các sao lại luân phiên trở lại ứng với người nam, nữ khác nhau, gồm các sao La Hầu, Kế Đô, Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch và Thủy Diệu.
Nếu nam gặp phải sao chiếu mệnh là La hầu và nữ là Kế Đô thì đó là năm xấu, Đối với sao Thái Bạch thì hao tốn tiền của. Bởi thế mà khi gặp sao chiếu mệnh xấu thì người dân thường lên chùa để cúng sao giải hạn, nhằm tránh điều không lành.
Thông thường người dân sẽ làm lễ giải hạn từ mùng 10 đến 15 tháng Giêng bởi vào dịp Rằm tháng Giêng là thời gian tốt nhất để tránh tai ương, xui vẻ. Đầu năm ta phải giải trừ điều xấu thì cả năm mới hạnh phúc, vui vẻ.
Ban đầu người ta chỉ cúng sao giải hạn khi gặp sao xấu nhưng dần dần quan niệm cả sao tốt cũng có khía cạnh xấu nên cúng sao giải hạn vào tất cả các năm. Hiện nay mọi người đa số sẽ lên chùa để làm lễ dâng sao giải hạn.
Cúng sao giải hạn không phải nghi lễ Phật giáo
Cúng sao giải hạn đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam với ý nghĩa cầu an. Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM khẳng định, cúng sao giải hạn không có trong đạo Phật.
Thượng tọa chia sẻ, mỗi người tự tạo nghiệp của mình từ các việc mình làm. Ta nhận được kết quả từ chính mình đã tạo ra chứ không có điềm báo gì cho rằng ngôi sao nào chiếu mệnh là tốt hay phước đức.
Bên cạnh đó Hòa thượng Viên Minh khẳng định trên Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng dâng sao giải hạn “chỉ là động thái tâm lý khiến người nào tin vào đó cảm thấy yên tâm mà thôi. Người đã hiểu chánh đạo, tin vào nhân quả, phước tội và thường sáng suốt biết rõ nhận thức, hành vi của mình thì tự mình điều chỉnh cho đúng, cho tốt chứ không thể dựa vào dâng sao mà giải hạn được”.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khuyên, không nên vì thấy người khác làm lễ dâng sao giải hạn mà chạy đua làm theo để ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Thay vì mất tiền của để dâng sao giải hạn, nên giữ cái tâm trong sáng, đi lễ với tâm thành kính chứ không để tư lợi chi phối.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, dâng sao giải hạn không phải là tư tưởng của Phật giáo. Bởi lẽ, nếu cúng sao giải được hạn thì có nghĩa là giải được nhân quả.
“Giả dụ người xấu cứ tranh đoạt, làm việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho, thế thì xã hội này loạn, còn đâu luật đời, luật trời. Cái đó là phi nhân tính, phi đạo đức đặc biệt là phi nhân quả”, TS Bùi Hữu Dược nói.
Theo TS Bùi Hữu Dược, nhân quả không phải chỉ là của nhà Phật mà là “quy luật sắt” của vũ trụ. Theo đó, ở hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão. Chỉ có điều không gặp lúc này thì gặp lúc khác, không gặp đời này thì gặp đời khác.
Dâng sao giải hạn là việc đánh lừa con người trong thời khắc nhất định, giống như người đi vay, không trả lúc này thì phải trả lúc khác, việc “giải hạn” chỉ là xin hoãn, chứ không tránh được.
Thay vì dâng sao giải hạn, thì hãy biết tin vào nhân quả. Chuyện kể, có nhà sư nói chuyện với nhà bác học Anhxtanh, Anhxtanh nói: Mọi thứ trên thế gian này là tương đối. Nhà sư nói đúng là như thế, nhưng có một thứ tuyệt đối đúng là tính nhân quả. Chỉ có điều chưa biết lúc nào nó đến, là cái tương đối, còn nhất định phải đến là tuyệt đối. Anhxtanh thừa nhận đúng thế. Nếu giáo dục cho con người ta tin vào nhân quả, người ta sẽ làm việc thiện, tốt.
Nhật Hạ