Đặc sản cam Khe Mây vào vụ
Những ngày này người dân trồng cam Khe Mây ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật vào vụ thu hoạch. Năm nay, cam được mùa lại được giá nên người dân rất phấn khởi.
Cam Khe Mây, loài quả đặc sản nổi tiếng được trồng trên các rừng đồi xã Hương Đô ở huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bắt đầu từ tháng 9 Âm lịch, nông dân Hương Đô vào vụ thu hoạch cam Khe Mây.
Vào dịp này, đi trên con đường vào vùng trồng cam Khe Mây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp tấp nập các chuyến hàng chở cam từ đồi núi di chuyển ra bên ngoài của tiểu thương. Người dân thường dùng các thùng nhựa để đựng cam và chở về các khu chợ để bán. Năm nay, cam được giá nên người trồng cam phấn khởi.
Từ sáng sớm, người dân đã có mặt tại các vườn cam để thu hái quả, bán cho thương lái. Xã Hương Đô (huyện Hương Khê) được biết đến là một trong những vùng trồng cam lớn nhất Hà Tĩnh với đặc sản cam Khe Mây. Ở đây hiện có khoảng 350 ha cam các loại. Trong đó, gần 300 ha đang cho thu hoạch.
Những năm qua, người dân đã từng bước thay đổi phương thức canh tác, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là việc sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, theo hướng hữu cơ và VietGAP. Qua đó, duy trì nhãn hiệu chứng nhận cam Khe Mây trên địa bàn nhằm bảo vệ danh tiếng, uy tín của các sản phẩm. Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất nên thương hiệu cam Khe Mây đã được nhiều khách hàng trong nước ưa chuộng. Hiện việc tiêu thụ loại cam đặc sản này cũng tương đối thuận lợi do thương lái thường đến mua ngay tại vườn, người dân không phải lo lắng việc tìm nơi tiêu thụ.
Từ năm 2019, cam Khe Mây đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu. Qua đó, góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương. Thời gian qua, người dân và chính quyền địa phương cũng đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm giá trị sản phẩm cam Khe Mây. Đồng thời, hình thành nhiều mô hình sản xuất cam VietGAP liên kết với thương lái để đảm bảo ổn định đầu ra, giá cả. Theo người trồng cam ở đây, cam được thương lái thu mua tại vườn, ngoài ra có nhiều khách quen đặt hàng gửi đi các nơi trong cả nước. Cam Khe Mây có thương hiệu từ lâu nên cam rất dễ bán, có vị ngọt đậm, mọng nước.
Ông Nguyễn Văn Phúc, (trú tại thôn 6, xã Hương Đô, huyện Hương Khê) cho biết, gia đình có hơn 3ha trồng cam, dự kiến năm nay sản lượng thu hoạch của gia đình ông đạt khoảng 20 tấn. Những năm trước, gia đình ông chỉ trồng khoảng 1ha giống cây cam chanh nhưng nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp, cho chất lượng cam ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên đã mở rộng diện tích lên gần 3ha. Hiện nay, việc canh tác, sản xuất cam đều được thực hiện theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Vụ thu hoạch năm nay, thương lái đã mua cả vườn cam nên gia đình rất yên tâm, không phải lo lắng đầu ra cho quả cam. Với giá cam hiện dao động từ 30.000đ/kg - 40.000đ/kg trong vụ năm nay gia đình dự kiến thu về từ 500 triệu đồng – 600 triệu đồng.
Còn gia đình anh Lê Văn Phương (SN 1983, trú tại thôn 2, xã Hương Đô) trồng 1.000 gốc cam ở đồi Khe Mây, trong đó chủ yếu cam chanh. Năm nay gia đình anh Phương ước lượng thu từ 14-15 tấn quả, giá bán tại vườn từ 45-60 ngàn đồng/kg. Như năm ngoái gia đình thu về 500 triệu đồng từ mùa thu hoạch cam. Hiện tại dù mới đầu mùa nhưng đã bán được khoảng 2 tấn cam. Anh Phương cho biết, cam được trồng từ 4-5 năm mới cho quả.
Thống kê toàn xã Hương Đô hiện có trên 300 hộ trồng cam. Trong đó nhiều hộ có diện tích lên đến gần 100 ha, cho thu nhập khoảng 4-5 tỷ đồng/năm. Ông Đinh Công Tịu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê thông tin: Thực hiện chủ trương của huyện Hương Khê về mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm cam, Hội nông dân các cấp đã tuyên truyền, hướng dẫn hộ nông dân triển khai thực hiện hiệu qua. Ngoài vùng trồng cam đặc sản Khe Mây trên địa bàn huyện còn có gần 1.700ha cam ở những vùng trồng khác. Việc phát triển cây cam đã giúp cho hội viên Hội nông dân và các hộ gia đình có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao.
Để đảm bảo chất lượng thương hiệu cam Khe Mây nói riêng và các vùng trồng cam khác khi bán ra thị trường, Hội nông dân huyện tiếp tục phối hợp, hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hiện quy trình sản xuất an toàn. Từ đó, cung ứng sản phẩm cam khách hàng trên toàn quốc và hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài.
Phan Quý