Dấu hiệu áp lực lạm phát cao trong thời gian tới
Nhóm phân tích của WiResearch cho rằng lạm phát đang tập trung vào giá lương thực, xăng dầu, Nhà ở & Vật liệu xây dựng và dịch vụ giáo dục tăng so với mức nền thấp tháng 4/2023.
Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích của WiResearch cho biết, dấu hiệu về áp lực lạm phát Việt Nam sẽ cao trong thời gian tới, điều này đã thể hiện rõ qua con số.
Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, lạm phát tăng lên mức 4,4% (YoY), khá gần với lạm phát trung bình mục tiêu của Chính phủ 4,5%.
Theo WiResearch, Lạm phát đang tập trung vào giá lương thực, xăng dầu, Nhà ở & Vật liệu xây dựng và dịch vụ giáo dục tăng so với mức nền thấp tháng 4/2023.
Đội ngũ phân tích của WiResearch cho rằng áp lực lạm phát ở Việt Nam tiếp tục duy trì ở trên mức 4% ít nhất là trong quý II/2024.
Sự tăng đột biến này có thể đến từ giá dầu thô sẽ tăng lên mức cao mới – do ảnh hưởng bởi rủi ro địa chính trị toàn cầu (trọng tâm Iran - Israel) và Nga tuyên bố sẽ duy trì cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện 500 nghìn thùng/ngày, duy trì cho đến hết năm 2024. Như vậy, điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá xăng dầu trong nước, khiến chỉ số giao thông tăng đột biến (chiếm 10% rổ CPI).
Ngoài ra, giá điện, giá học phí, chi phí chăm sóc sức khỏe và tăng trưởng tín dụng… cũng sẽ là nguyên nhân tác động đáng kể đến lạm phát.
Trong Báo cáo vĩ mô tháng 4/2024, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, giá điện là yếu tố đáng chú ý với lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ có hiệu lực từ 15/5/2024 dẫn đến quan ngại giá điện có thể sẽ sớm được điều chỉnh.
Cụ thể, kỳ điều chỉnh giá điện tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 5/2024 cùng với chi phí sản xuất điện tiếp tục tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải huy động nguồn điện chi phí cao để bảo đảm cung ứng điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, do hành động điều chỉnh giá điện luôn gắn với cân đối vĩ mô và Chính phủ vẫn đặt ưu tiên là kiểm soát lạm phát, nên một số ý kiến dự báo, lần tăng giá điện tiếp theo có thể được trì hoãn cho đến khi lạm phát có dấu hiệu quay đầu giảm trở lại.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải chủ động có giải pháp để tránh tình trạng trên.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.
Trong nước, giá cả thị trường những tháng đầu năm có xu hướng tăng do nhu cầu tăng thời điểm cận Tết và sau Tết Nguyên đán, tương tự như các năm trước. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, CPI bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% nhưng nằm trong giới hạn cho phép song cần tiếp tục theo dõi do giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, gia tăng áp lực lạm phát cũng như công tác quản lý, điều hành giá.
H.A