Chủ nhật, 24/11/2024 05:58 (GMT+7)
Thứ tư, 13/03/2024 07:00 (GMT+7)

Đề xuất dẫn nước từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây

Theo dõi KTMT trên

Đề xuất trên được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đưa ra tại buổi khảo sát các công trình chống hạn mặn tại địa phương của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, ngày 12/3.

Theo lãnh đạo tỉnh Bến Tre, hiện sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để giải quyết nhu cầu nước ngọt cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mùa hạn mặn.

"Có thể lợi dụng địa hình cao khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ hệ thống sông này về Long An, Tiền Giang với khoảng cách chỉ vài chục cây số", ông Tam nói.

Chủ tịch Bến tre cho rằng, nếu chưa đủ chi phí đầu tư hệ thống ống dẫn nước sản xuất thì triển khai trước hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt.

Đề xuất dẫn nước từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây - Ảnh 1
Bản đồ dự báo phân bố độ mặn cao nhất từ 11-20/3/2024. Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.

Người đứng đầu UBND tỉnh Bến Tre cũng  kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cống ngăn mặn tại 2 tiểu vùng bắc và nam như: cống An Hóa (Châu Thành), Thủ Cửu (Giồng Trôm), Cái Quao, Vàm Thơm (Mỏ Cày Nam),... Hệ thống cống này thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3), tổng mức đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng đang chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vốn.

"Về lâu dài Trung ương cần nghiên cứu làm cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông để giúp các tỉnh miền Tây đối phó hạn mặn", ông Tam nói.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thời điểm này mặn đã đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa khô đến nay. Mặn đã lấn sâu vào các sông chính cao hơn trung bình nhiều năm từ 5km đến 15km. Theo dự báo, sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhưng thấp hơn hiện tại.

Tại Bến Tre, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách các cửa sông chính từ 52 - 64km, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá cao công tác phòng, chống hạn mặn của tỉnh Bến Tre nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị thiệt hại gì đáng kể.

"Qua nhiều đợt hạn mặn lịch sử, người dân đã có kinh nghiệm trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Hiện tại, gần 7.800ha lúa vụ 3 cùng hơn 23.000ha cây ăn trái vẫn chưa bị ảnh hưởng do hạn mặn", ông Hiệp nói.

Trước tình hình xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, ngày 8/3/2024 Thủ tướng đã có Công điện số 19/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại khu vực này.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh phải chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất dẫn nước từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới