Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ ba, 26/03/2024 16:03 (GMT+7)

Điểm lại những lần Hà Nội thay mới, chặt hạ cây xanh gây xôn xao dư luận

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua vụ việc chặt hạ, đào gốc cây sao đen trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc đã thu hút được sự chú ý lớn từ phía người dân. Trong nhiều năm qua, Hà Nội cũng không ít lần thay mới, chặt, tỉa hoặc di chuyển cây xanh gây xôn xao dư luận.

'Chặt 6.700 cây xanh' thi công đường sắt đô thị

Sáng 8/1/2015, đơn vị Công ty một thành viên Cây xanh Hà Nội đã tiến hành chặt cành, tỉa tán một số cây xà cừ cổ thụ ở Kim Mã để thi công nhà ga số 8 của tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).  Đến ngày 28/1, 146 cây xà cừ tuổi đời gần 100 năm dọc tuyến đường trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) và Trần Phú (Hà Đông) cũng bị đốn bỏ nhằm phục vụ thi công đường sắt trên cao.

Hình ảnh những cây cổ thụ bị đốn hạ khiến không ít người dân cảm thấy tiếc nuối. Đến đầu tháng 3/2015, Hà Nội lại bất ngờ chặt đi hàng loạt cây xanh được cho là “không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn” trên những tuyến phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh…

Chứng kiến những cây xanh đang xanh tốt, không ảnh hưởng đến giao thông trên nhiều tuyến phố để thay thế bằng các loại cây khác, hàng nghìn người dân Hà Nội không khỏi bức xúc, ngỡ ngàng trước quyết định bất ngờ của thành phố. Một làn sóng phản đối đã diễn ra nhằm bảo vệ những cây xanh chưa bị đốn hạ. 

Sáng 19/3, trong cuộc họp của UBND Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND Hà Nội đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thông tin không đầy đủ đã khiến người dân hiểu lầm rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh. Thực chất, nội dung đề án là từng bước thay thế những cây cỗi, cây già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại… 

Điểm lại những lần Hà Nội thay mới, chặt hạ cây xanh gây xôn xao dư luận - Ảnh 1
Sự việc hạ 6.700 cây xanh tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. (Ảnh: Minh họa)

Ngay ngày hôm sau, UBND Hà Nội đã tổ chức họp báo về thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn. Tại đây, Phó chủ tịch Hà Nội bấy giờ nhấn mạnh việc chặt, thay thế cây "hoàn toàn không có lợi ích nhóm, tiêu cực". Tuy nhiên, khi trao đổi về việc tiến hành một cách chóng vánh trên hàng loạt tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, ông này cho biết, chặt cây nhanh " do có sự nôn nóng của một số nhà tài trợ". Việc chặt cây xanh được tạm dừng, nhưng vẫn còn những thắc mắc của người dân vẫn chưa có lời đáp rõ ràng  

Ngày 21/7/2015, UBND Hà Nội đã thông báo kết luận của UBND Thành phố về xử lý trách nhiệm sau thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn. Thông báo kết luận của UBND Hà Nội cho biết có 11 cán bộ phải nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, đến giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Trong đó có 8 cán bộ, lãnh đạo thuộc Sở Xây dựng và 3 lãnh đạo thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh.

Ngoài ra, UBND Hà Nội đã nghiêm túc xem xét toàn diện tính chất, mức độ, động cơ, mục đích, nguyên nhân và hậu quả của các sai phạm trong vụ việc trên. UBND Hà Nội đã kiểm điểm, tự phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đưa ra các mức xử lý kỷ luật nghiêm đối với từng tập thể và cá nhân liên quan.

Di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội

Năm 2019, Sở GTVT Hà Nội đề xuất danh mục xén vỉa hè, dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận.  Theo đó để thực hiện việc xén mở rộng đường, Sở GTVT Hà Nội đã rà soát, dự kiến cần di chuyển 1.900 cây xanh; 820 cột đèn chiếu sáng và các công trình ngầm và nổi nằm trong phạm vi thi công. Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất xén nhiều khu vực nút giao để tổ chức giao thông phù hợp với thực trạng giao thông, giảm ùn tắc giao thông. 

Liên quan đến việc di dời trên, Quỹ Hỗ trợ và phát triển Cộng đồng Sống bền vững (gọi tắt là Quỹ Sống), nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân yêu môi trường, yêu Hà Nội có thư gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội đề nghị khẩn cấp ngừng chặt, di dời gần 2.000 cây xanh ở Hà Nội.

Đề nghị nhằm tìm được tiếng nói chung về  giải pháp tối ưu trong di dời, bảo tồn và tái thiết mảng xanh trên 15 tuyến phố thuộc 12 quận trên địa bàn Hà Nội.

Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Sống nói chia sẻ với Người Đô Thị, dưới góc độ cộng đồng hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường nhưng việc chặt, di dời cây xanh không phải là giải pháp đầu tiên để lựa chọn. Giải pháp tốt nhất là tìm giải pháp tốt hơn.

Tạm ngưng triển khai dự án và minh bạch thông tin sự án sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, chuyên gia phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả. Cây xanh, môi trường và di sản khác với những thứ khác là khó có thể phục hồi nguyên trạng, bà Phạm Thị Hương Giang nhấn mạnh.

Chặt hạ cây sao đen gần trăm tuổi 

Ngày 25/3, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh đã tiến hành chặt hạ cây sao đen trăm tuổi trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc, Hà Nội. Trước đó, việc tỉa cành được tiến hành khoảng 1 tuần trước và đến nay tại hiện trường, chỉ còn phần thân và gốc. Điều này khiến cho nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối.  

Tuy nhiên theo chia sẻ mới nhất ông Trần Đức Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ cho biết, cây sao đen trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc có nguy cơ gãy đổ, dấu hiệu chết khô gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.  

Điểm lại những lần Hà Nội thay mới, chặt hạ cây xanh gây xôn xao dư luận - Ảnh 2
Hiện trạng cây sao đen trăm tuổi trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc, Hà Nội.

Tháng 2/2024, đại diện Sở Xây dựng, Công ty công viên cây xanh và UBND phường Phạm Đình Hổ đã tiến hành khảo sát hiện trường, lập biên bản và đánh giá cây sao đen trước cửa số nhà 65, cây sao đen có đường kính 80cm, cao 18m, đã bị chết khô, mục rỗng gốc.

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây theo quy định. Biên bản này cũng đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ tiếp tục kiểm tra xử lý trường hợp cây xanh bị xâm hại (nếu có).

Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND (ngày 28/2/2023) Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ, việc quản lý, phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị đảm bảo phù hợp với quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, quy chuẩn kỹ thuật, đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác; đảm bảo mỹ quan, cảnh quan đô thị góp phần cải tạo môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và các quy định của pháp luật.

Khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ đầu tư phải lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách. Chủ đầu tư công trình phải gửi phương án xử lý cây xanh hiện hữu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành theo phân cấp quản lý để xem xét, có ý kiến cấp phép trước khi triển khai thực hiện.

Trường hợp đột xuất cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh ngay do tình thế khẩn cấp, thiên tai, cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây nguy hiểm, cây xanh đã bị gãy, đổ đột ngột ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn cho người, tài sản khác thì đơn vị được giao quản lý trực tiếp thực hiện việc chăm sóc, duy trì cây xanh phối hợp UBND cấp xã lập biên bản, thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh và lập hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý cây xanh theo phân cấp...

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Điểm lại những lần Hà Nội thay mới, chặt hạ cây xanh gây xôn xao dư luận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới