Chủ nhật, 24/11/2024 10:05 (GMT+7)
Thứ tư, 09/03/2022 12:00 (GMT+7)

Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững để vượt bão khủng hoảng

Theo dõi KTMT trên

Bằng việc quản trị theo các tiêu chí về phát triển bền vững (PTBV), các doanh nghiệp (DN) có cơ hội hồi phục nhanh hơn. Hướng đến hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững giúp các DN tồn tại và vươn xa trong tương lai.

Chiến lược tăng trưởng xanh trong bối cảnh đại dịch

PTBV đối với các DN có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị DN phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều DN dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều DN vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 để duy trì ổn định hoạt động, vẫn có sự tăng trưởng trong kinh doanh, từ đó hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép. Những DN xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng PTBV đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn, kiên cường hơn so với các DN khác, thậm chí không ít DN trong bối cảnh khó khăn đã biết tìm ra cơ hội để bứt phá, bảo đảm việc làm cho người lao động, mở mang được thị trường, đóng góp cho ngân sách và góp phần vào tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các DN chắc chắn sẽ trải qua rất nhiều thách thức mới để bảo đảm nguồn lực, tạo đà phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý thông qua những gói hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, rất cần thêm những chính sách mạnh mẽ, tạo ra một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ, giúp xây dựng những hệ sinh thái tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững để vượt bão khủng hoảng - Ảnh 1
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) Đoàn Thị Mai Hương. (Ảnh: Internet)

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) Đoàn Thị Mai Hương chia sẻ: Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành hàng không khiến lượng hành khách suy giảm mạnh, nguy cơ dịch bệnh lây lan tới DN. Do đó, SASCO nhanh chóng chuyển mục tiêu kinh doanh, xác định nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất để tạo lợi thế cạnh tranh, cho nên đã điều chỉnh giảm mức độ ưu tiên về doanh thu xuống dưới ưu tiên bảo toàn nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, SASCO đã thực hiện các biện pháp kịp thời phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động và khách hàng. SASCO vẫn duy trì được đội ngũ nhân lực để hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và chỉ khi giữ được nguồn nhân lực mới có cơ sở để phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, đại diện Công ty TNHH AEON Việt Nam cho rằng: PTBV không chỉ là kim chỉ nam trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt DN thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Do đó, để thực hiện PTBV hiệu quả thì việc tăng tốc độ chuyển đổi số và thay đổi phương thức vận hành phù hợp xu thế chung là giải pháp để thích nghi và phục hồi của DN bán lẻ như AEON.

Trong đó, AEON đã nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thực hiện chữ ký số, hệ thống quản trị DN số, quản lý đơn đặt hàng đến nhà cung cấp, xây dựng hệ thống quản trị khách hàng trên nền tảng Cloud (điện toán đám mây) giúp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, tăng cường các giải pháp trải nghiệm mua sắm cho người dùng thông qua ứng dụng di động AEON kết hợp các phương thức mua sắm đa kênh; thanh toán điện tử; quản lý thanh toán tự động; ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng hiện nay.

Đại dịch Covid-19 theo một cách nhìn tích cực là tạo “cú huých” để các DN thay đổi tư duy, có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều hơn cho nguồn lực, cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục. Từ đó, khi khủng hoảng xảy ra, DN có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, bảo đảm quá trình phục hồi và PTBV hơn. Quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là liều “vắc-xin” phòng ngừa hữu hiệu cho DN. Trên thực tế, PTBV là những vấn đề mang tính nền tảng căn bản trong bất kỳ tình huống, môi trường sản xuất, kinh doanh nào, dù bình thường hay khi xảy ra khủng hoảng, nếu thực hiện tốt các yêu cầu về PTBV, đều có thể đem lại các giá trị tốt hơn cho DN.

Hướng đến hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững

Kinh tế tuần hoàn là nội dung mới được đưa vào Luật BVMT 2020 và được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. Theo ông Hoàng Thành Vĩnh - Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), kinh tế tuần hoàn đang biểu hiện rất đa dạng ở Việt Nam. Các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn đưa trong dự thảo Nghị định là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên, cần cân nhắc lộ trình thực hiện, nhất là khi đưa các ngành hàng cụ thể để áp dụng mô hình này.

Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững để vượt bão khủng hoảng - Ảnh 2
Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. (Ảnh: Internet)

Như trong lĩnh vực tái chế để có được hệ thống tái chế lý tưởng và bền vững, điểm mấu chốt là tất cả các bên liên quan như Nhà nước, Nhà sản xuất, Nhà phân phối, Người dùng và Cơ sở tái chế phải có vai trò và trách nhiệm cụ thể trong bức tranh tổng thể về hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững.

Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.

Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững để vượt bão khủng hoảng - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Quốc Phương, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và  thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

"Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp kiên trì mục tiêu phát triển bền vững để vượt bão khủng hoảng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới