Chủ nhật, 24/11/2024 07:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/12/2021 12:00 (GMT+7)

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều

Theo dõi KTMT trên

Sau Hội nghị COP26, các nhà ngoại giao, giới khoa học, các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ đã có những đánh giá khác nhau về kết quả Hội nghị, cũng như “Hiệp ước khí hậu Glasgow” vừa được tất cả 197 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua.

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 1
Chủ tịch COP26 Alok Sharma.

Tuyên bố sau khi Hội nghị kết thúc, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng, thỏa thuận dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ”.

“Tôi có thể nói rằng đây là chiến thắng mong manh và chúng tôi đã duy trì sự sống của mục tiêu 1,5 độ C. Đó là mục tiêu bao quát của chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu hành trình này cách đây hai năm. Nhưng mục tiêu này đang thoi thóp và sẽ chỉ sống sót nếu chúng ta giữ lời hứa và chuyển cam kết thành hành động nhanh chóng” – ông Alok Sharma nói.

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 2
Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu.

Tương tự, ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho rằng, dù thỏa thuận không hoàn hảo nhưng là một sự tiến bộ: “Tôi rất hài lòng với với văn bản trong hiệp ước trong đó có việc việc loại bỏ dần than đá. Mặc dù Hiệp ước khí hậu Glasgow chưa đạt được sự mong đợi của tất cả các bên, nhưng nó giống như chuyển từ vàng 24 carat thành vàng 18 carat, dù gì thì nó vẫn là vàng. Ý tôi là, thực tế chúng ta đang thực hiện các bước đi đáng kể để loại bỏ than đá khỏi nhu cầu năng lượng của chúng ta".

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 3
Laurence Tubiana.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 nhưng cho rằng thế giới vẫn đối diện với nhiều nguy cơ và đứng trên "bờ vực thảm họa".

Bà Laurence Tubiana, một trong những "kiến trúc sư" của Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015 và hiện là Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu châu Âu nhấn mạnh: "Bất chấp cuộc khủng hoảng dịch Covid-19, chúng ta đã tăng tốc hành động, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà khoa học duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C và đưa than đá vào nội dung văn bản. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Các cam kết và tuyên bố về tài chính, chấm dứt nạn phá rừng, ngừng tài trợ công đối với nhiên liệu hóa thạch, khí metal và ô tô giờ đây phải được chuyển thành các chính sách thực tế. Vấn đề ô nhiễm do sản xuất dầu khí vẫn cần được giải quyết. Hội nghị lần này chưa thể cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức cho những người đang chịu tác động của BĐKH". 

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 4
Nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate đến từ Uganda.

Nhà hoạt động khí hậu Vanessa Nakate đến từ Uganda cho rằng: “Ngay cả khi các nhà lãnh đạo thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra ở Glasgow, điều đó cũng không ngăn được sự tàn phá của BĐKH đối với các cộng đồng dân cư như của chúng tôi. Hiện tại, với mức tằng 1,2 độ C nhiệt độ toàn cầu, hạn hán và lũ lụt đang giết chết nhiều người dân ở Uganda. Chỉ có cắt giảm khí thải ngay lập tức, mạnh mẽ hơn mới mang lại cho chúng ta hy vọng về sự an toàn".

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 5
Ông Mohamed Adow, Giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa.

Ông Mohamed Adow, Giám đốc tổ chức tư vấn Power Shift Africa, đánh giá: “Hội nghị thượng đỉnh tại COP26 mang ý nghĩa thành công về mặt ngoại giao hơn so với kết quả thực chất. Kết quả ở đây phản ánh Hội nghị COP lần này vẫn phục vụ lợi ích và những ưu tiên của các nước giàu có. Chúng tôi sẽ duy trì động lực trong năm tới để đòi hỏi sự hỗ trợ có ý nghĩa hơn, cho phép những người dễ bị tổn thương ứng phó với những tác động không thể đảo ngược của BĐKH ".

Alden Meyer, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn E3G nhấn mạnh: “Chúng tôi đã thấy lời kêu gọi ở Glasgow cho các hành động khẩn cấp để đối phó với mối đe dọa hiện hữu của BĐKH. Một số sáng kiến quan trọng đã được đưa ra. Kết quả hội nghị ở Glasgow là một nửa đầy đủ chứ không phải là một nửa trống rỗng".

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 6
Bà Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace International.

Về phần mình, bà Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace International, cho rằng: “Vì lợi ích của tất cả các quốc gia, bao gồm cả những quốc gia vẫn sử dụng than, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi các quốc gia giàu có cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sự chuyển dịch này. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào điều đó".

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 7
Ông Nicholas Stern, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Grantham về BĐKH.

Trong khi đó, ông Nicholas Stern, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Grantham về BĐKH, nhìn nhận: "Hội nghị COP26 là một bước tiến lớn trong suốt chặng đường dài, nhưng nó vẫn chưa đủ để thực hiện mục tiêu giới hạn sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C. Điều quan trọng là các quốc gia đã đồng ý đưa ra những cam kết đầy tham vọng hơn vào cuối năm tới về cắt giảm khí thải vào năm 2030".

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 8
Bộ trưởng Môi trường Grenada Simon Stiell.

Bi quan hơn, một số quốc gia đã đánh giá thỏa thuận này là thất bại. Bộ trưởng Môi trường Grenada Simon Stiell nói: “Những nỗ lực thực hiện kể từ khi ký kết Hiệp định Paris đến nay vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải tiếp tục thúc đẩy. Các nước phát triển cần dẫn đầu thực hiện các mục tiêu khí hậu và thực hiện các cơ chế chống lại những mất mát thiệt hại mà chúng ta phải đối mặt từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác”.

Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều - Ảnh 9
Ông Saleemul Huq - Đặc phái viên về khí hậu của Bangladesh.

Thậm chí, ông Saleemul Huq - Đặc phái viên về khí hậu của Bangladesh đã gọi kết quả COP26 hôm 13/11 là một "thất bại tuyệt đối": “Tôi e rằng, thỏa thuận là một thất bại tuyệt đối. Có thể có những điều tốt đẹp khác trong thỏa thuận nhưng tôi không quan tâm. Đó là bản án tử hình dành cho những người nghèo nhất trên hành tinh".

Thanh Bình

Bạn đang đọc bài viết Dư âm COP26 – Góc nhìn đa chiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới