Chủ nhật, 24/11/2024 01:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/09/2024 15:55 (GMT+7)

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính

Theo dõi KTMT trên

Ngành du lịch Việt Nam đang theo đuổi xu huống du lịch xanh (Net Zero), tức du lịch giảm phát thải khí nhà kính ảnh hưởng đến môi trường.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Du khách hòa mình vào thiên nhiên tại một điểm du lịch ở Khánh Hòa.

Thuật ngữ du lịch Net Zero (Net zero Tourism), du lịch xanh xuất hiện nhiều gần đây, là một xu hướng du lịch đang lên ở Việt Nam. Theo Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), đây là loại hình du lịch không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình vận hành, phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững.

Ở mức độ cao hơn cần hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon (Net Zero) cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch. Tại diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi xanh, du lịch Net Zero - Kiến tạo tương lai”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết trong hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, Việt Nam đã cam kết đưa lượng khí thải nhà kính về 0 vào năm 2050.

Phải xác định được “dấu chân carbon” của khách

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam có thể phát triển du lịch Net Zero, giảm phát thải khí nhà kính ảnh hưởng đến môi trường, việc quan trọng trước mắt cần phải làm là xác định “dấu chân carbon” của khách du lịch, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 2
Để giảm tác động của khí thải ra môi trường, nhiều đơn vị hoạt động du lịch, kinh doanh lữ đã xây dựng sản phẩm "xanh" như đạp xe hay đi bộ.

Theo các chuyên gia, “dấu chân carbon” trong du lịch là tổng lượng khí nhà kính, chủ yếu là CO² được thải ra trong quá trình thực hiện một chuyến đi. Điều này có nghĩa là, mọi hoạt động của du khách, bắt đầu từ lúc di chuyển cho tới điểm đến, ăn uống, lưu trú… đến các hoạt động giải trí phải xác định được “dấu chân carbon” để từ đó có giải pháp cụ thể.

Tại buổi tọa đàm, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng Ozon, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng doanh nghiệp cần xác định được lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động du lịch để có thể tập trung vào các lĩnh vực cần nhằm cải thiện và đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất.

Đồng tình với quan điểm với ông Huy, Phó chủ tịch Phát triển bền vững Assurik Intertek, ông Wesley Chen và Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM, ông Trương Minh Huy Vũ, cũng nhận định, doanh nghiệp du lịch cần ưu tiên xác định “dấu chân carbon” trong hoạt động kinh doanh để có biện pháp giảm phát thải phù hợp. “Việc di chuyển bằng máy bay, ô tô, tàu thủy và các hoạt động khách sạn, nhà hàng… đều thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Xác định “dấu chân carbon” để có cơ sở hướng đến Net Zero trong ngành du lịch là nhiệm vụ không của riêng ai”, ông Wesley Chan nói.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 3
Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng tích cực hướng tới du lịch xanh, Net Zero. Trong ảnh: Đang ủ rác để làm phân bón hữu cơ.

Còn ông Vũ cho biết doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ với khách hàng về “dấu chân carbon” của du khách, qua đó khuyến khích những người này thay đổi hành vi tiêu dùng. Thay đổi nhận thức khách hàng là một quá trình lâu dài nhưng là nơi trực tiếp phục vụ khách hàng, doanh nghiệp lữ hành nên đi tiên phong, chủ động tìm hiểu nhu cầu và đưa ra các sản phẩm hạn chế tối đa phát thải, thúc đẩy du lịch bền vững.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc xác định “dấu chân carbon” là điều không dễ dàng vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp với nhiều hoạt động nhỏ lẻ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển… nên không dễ xác định nguồn phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Vì thế, để xác định được, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Phải có lộ trình, đã có những tín hiệu

Chia sẻ tại sự kiện, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM cho biết thêm việc thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời và cần lộ trình dài hạn để hạn chế các cú sốc về “kinh tế - xã hội”. “Lộ trình ấy có thể cần 10 - 20 năm”, ông Vũ nói. Lộ trình này để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận, điều chỉnh chính sách…

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 4
Một khu nghỉ dưỡng được xây dựng chủ yếu bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

Trong khu vực Đông Nam Á, các nước cũng bắt tay vào thực hiện du lịch Net Zero từ cách đây 2-3 năm. Quốc vụ khanh, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia So Mara, cho biết nước này đã thực hiện một số sáng kiến phát triển du lịch song song với việc bảo vệ môi trường. Tháng 11/2023, Campuchia phát động chiến dịch “Blue sky and net zero” (tạm dịch: Bầu trời xanh và không ô nhiễm) nhằm nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu, để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Từ đó, Campuchia đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tại các vùng núi và vùng sâu vùng xa, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch bền vững, thân thiện với môi trường.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng đang từng bước có những hành động cụ thể trong thực hành du lịch Net Zero. Đơn cữ như cuối tháng 8 vừa qua, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên thông qua bộ tiêu chí chung cho thực hành Du lịch Net Zero tại địa phương. Hay như huyện Cô Tô (Quảng Ninh) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng từng bước nghiên cứu áp dụng thực hành du lịch xanh, du lịch Net Zero thí điểm.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 5
Tại TP. HCM, để giảm thiểu carbon, Thành phố đã tập trung vào chuyển đổi 100% xe buýt thành xe buýt sạch hay đưa vào khai thác xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển hành khách tham quan, du lịch.

TP. HCM cũng đã gắn kết ba ngành giao thông - năng lượng - tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu carbon. Theo đó, Thành phố tập trung vào chuyển đổi 100% xe buýt thành xe buýt sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sử dụng xe điện. Đảo Thiềng Liềng (Cần Giờ) cũng áp dụng quy định plastic free (không rác thải nhựa). Tour Nhà Bè - Nghìn lẻ một đêm cũng thực hành du lịch xanh. Tour dài 5 tiếng nhưng mất hai tiếng phải sử dụng phương tiện xả khí thải để di chuyển từ trung tâm thành phố đến Nhà Bè nên ngay sau đó, tour bù lại ba tiếng sử dụng xe điện, cho khách đi bộ tham quan.

Mặc dù có những bước đi cụ thể, các doanh nghiệp và địa phương vẫn đang đối mặt nhiều thách thức để thực hiện chiến lược du lịch Net Zero lâu dài, trong đó theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất vẫn là nguồn lực thực hiện gồm nhân lực và tài lực.

Ứng dụng công nghệ để “chuyển đổi xanh”

Theo lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng với các giải pháp để phát triển du lịch Net Zero đã được các chuyên gia đưa ra thì công nghệ cũng đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các giải pháp “chuyển đổi xanh”, trong đó có việc sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý tài nguyên thông minh.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 6

Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 được Booking công bố ngày 21/4 chỉ ra 97% khách Việt muốn có những trải nghiệm du lịch bền vững (sustainable tourism) hơn. Trong khi đó, con số này năm 2023 là 78%.

Lãnh đạo Cục Du lịch cho rằng, doanh nghiệp du lịch cần tăng cường áp dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành du lịch như hệ thống quản lý năng lượng thông minh tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng, sử dụng xe điện trong các tour du lịch và áp dụng các công nghệ tái chế rác thải.

Tại diễn đàn, các diễn giả đều khẳng định, việc thực hành Net Zero trong du lịch cần nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng cư dân địa phương. “Họ là những người trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ môi trường điểm đến, bảo tồn văn hóa và là ‘đại sứ’ du lịch của địa phương. Người dân cần được khuyến khích tham gia vào quá trình phát triển du lịch bền vững, từ đó đảm bảo rằng trách nhiệm và lợi ích từ du lịch Net Zero sẽ được chia sẻ công bằng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực”, một chuyên gia nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel, cho rằng những thách thức của doanh nghiệp là xác định con đường, biện pháp và phương pháp để đi theo mục tiêu chuyển đổi xanh. Vì thế, ông đề xuất ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí về giảm thiểu phát thải để doanh nghiệp có mục tiêu phấn đấu, kiểm soát và thay đổi chiến lược phù hợp. Dựa vào bộ tiêu chí sẽ đo lường được mức độ phát thải trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp, từ đó có những đánh giá khen thưởng hoặc xử lý vi phạm.

Còn ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho rằng khi doanh nghiệp minh bạch về phát thải khí nhà kính, có những hành động cụ thể gắn với trải nghiệm khách hàng thì du khách sẽ dần yêu thích, chia sẻ cho bạn bè và khuyến khích nhiều người tham gia.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 7
Du khách trải nghiệm chèo SUP ở Cần Giờ.

Hay như ông Phan Xuân Anh, người sáng lập Mekong Riverside Boutique Resort & Spa, cho biết tận dụng thủy triều lên để bơm nước thay vì sử dụng điện; không dùng điện lưới vào cao điểm 17h - 21h mà thay vào đó sử dụng điện năng lượng Mặt Trời. Hệ thống giặt hoạt động lúc 12h đêm để tránh quá tải. “Đây là những hành động cụ thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong hoạt động du lịch”, ông Xuân Anh cho biết. Khu du lịch dã ngoại thiên nhiên Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt (Khánh Hòa) cũng là ví dụ trong thực hiện du lịch Net Zero. Xe điện, xe đạp, bè tre là phương tiện di chuyển chính trong làng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng của tự nhiên. Gió và Mặt Trời là hai nguồn năng lượng thay thế được đơn vị tận dụng để tạo ra điện.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, chia sẻ đơn vị đã bắt đầu sớm quan tâm về phát triển xanh như chọn các hãng máy bay thế hệ mới, động cơ nhiên liệu tối giản, triển khai các giải pháp nhằm giảm thải khí thải ra môi trường.

Theo một khảo sát của Booking.com vào năm 2023, có đến 97% du khách người Việt Nam muốn tham gia vào các điểm đến du lịch bền vững, du lịch xanh. Trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ.

Chia sẻ thêm tại diễn đàn, ông Pavnesh Kumar, Giám đốc Phát triển Bền vững và Nghiên cứu Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương, nhận định các điểm đến du lịch có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể bằng cách cam kết về phát triển bền vững và mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 8
Việc sử dụng các vật dụng cá nhân thân thiện môi trường dành cho khách lưu trú cũng đang được nhiều khách sạn, resort áp dụng.

“Các điểm đến phải khiến mình ‘xanh hơn’ và điều chỉnh chiến lược tiếp thị để hướng đến phân khúc du khách mới nổi này”, ông Kumar nói. Việc thực hiện các hành động cụ thể để bảo vệ môi trường, các điểm đến không chỉ thu hút du khách yêu thiên nhiên mà còn góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho cộng đồng địa phương.

Doanh nghiệp cần thường xuyên đo lường hiệu quả của các hoạt động bền vững, từ lượng khí thải giảm được đến tỷ lệ du khách hài lòng với các “dịch vụ xanh”. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ cũng nên có báo cáo công khai, cập nhật thường xuyên về tiến độ thực hiện các cam kết bền vững để đảm bảo tính minh bạch và tăng cường sự tin cậy của du khách.

Võ Chí Kiên

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Việt Nam với “cuộc đua” giảm phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới