Giám sát, kiểm soát về môi trường nhiều dự án, cơ sở sản xuất trên cả 3 miền
Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ thực hiện giám sát về môi trường tại nhiều dự án, cơ sở sản xuất ở cả 3 miền. Trong đó, có nhiều dự án, cơ sở sản xuất đã từng gây sự cố môi trường hoặc dư luận phản ánh, lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bộ TN&MT vừa ban hành Kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2017 đến nay, Tổng cục Môi trường đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận. Tiếp tục duy trì tốt hoạt động giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố ô nhiễm môi trường cao nhằm bảo đảm an toàn về môi trường trong quá trình hoạt động.
Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ thực hiện giám sát về môi trường tại nhiều dự án, cơ sở sản xuất ở cả 3 miền. Trong danh sách giám sát, có nhiều cái tên dự án, cơ sở sản xuất đã từng gây sự cố môi trường hoặc dư luận phản ánh, lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, ở miền Bắc, Bộ TN&MT tập trung giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: Các dự án, khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo; Các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tằng Loỏng - Lào Cai; Các cơ sở đang hoạt động tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp giấy Phong Khê - Bắc Ninh. Giám sát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường/công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Bên cạnh các giá trị kinh tế mà các làng nghề mang lại, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo, thách thức của tỉnh Bắc Ninh.
Làng giấy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Phường có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu.
Ngoài ra, Bộ tập trung tập trung triển khai Kế hoạch xử lý điểm nóng ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, ô nhiễm môi trường tại làng nghề Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và khu vực Cụm công nghiệp Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bộ TN&MT tập trung giám sát các cơ sở, Nhà máy sản xuất các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (cơ sở của ngành giấy, hóa chất và luyện gang, thép) như: Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV (chủ dự án Nhà máy tuyển quặng bauxit và Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ); Công ty Cổ phần Lọc - Hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 (Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19); Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất). Đồng thời triển khai khảo sát, kiểm tra, đánh giá về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng cá 06 tỉnh ven biển miền Trung.
Các trung tâm nhiệt điện là trọng tâm giám sát tại khu vực miền Nam gồm: Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân - tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Điện lực Sông Hậu - tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Điện lực Duyên Hải - tỉnh Trà Vinh, Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ còn tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại 47/117 khu, cụm công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn trên địa bàn 4 tỉnh: Bình Dương (26 cơ sở), Đồng Nai (10 cơ sở), Bà Rịa – Vũng Tàu (2 cơ sở), TP.HCM (9 cơ sở).
Bên cạnh đó, ngoài việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT xác định đối tượng, lập danh mục các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trên phạm vi cả nước. Bộ sẽ lập hồ sơ, phân loại, xác định các vấn đề môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở và thực hiện quản lý, kiểm soát, khảo sát thực tế các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Nhằm xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc đối tượng cần phòng ngừa, kiểm soát, Bộ TN&MT tiến hành khảo sát, làm việc, thu thập, tổng hợp thông tin về các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo nhiệm vụ “Xử lý các vụ việc nóng, sự cố môi trường phát sinh” đã được phê duyệt hàng năm.
Bộ TN&MT cập nhật, theo dõi, bổ sung danh mục các dự án, cơ sở sản xuất lớn (bao gồm cả dự án đầu tư mới và dự án, cơ sở đang hoạt động, vận hành thương mại), thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có vị trí đặt dự án tại các khu vực nhạy cảm về môi trường trên cả nước, để thực hiện các biện pháp kiểm soát đặc thù về môi trường.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 – 20% (như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Vĩnh Phúc…). Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những khu còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề (trong đó có 240 làng nghề truyền thống) với khoảng 11 triệu lao động, tập trung phát triển nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và ĐBSCL. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của những người dân làng nghề, mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, sự phát triển của làng nghề nếu không được quy hoạch, không được quan tâm một cách đầy đủ để có thể phát triển bền vững thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thiết chúng ta phải có những quy hoạch, phải có những biện pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững và phải lựa chọn những loại hình nào phù hợp với quy mô làng nghề để đưa vào quy hoạch phát triển.
Lan Anh