Hà Nội: 193 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020
Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 vừa được Chính phủ ban hành, với tổng 2.961 cơ sở. Trong đó, TP.Hà Nội có 193 cơ sở, gồm nhiều ngành nghề sản xuất như viễn thông, linh kiện điện tử, công nghiệp...
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1881/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020. Theo đó, quyết định có hiệu lực từ ngày 9/11/2021.
Theo Quyết định, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020 trên toàn quốc là 2.961 cơ sở, trong đó có 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 đơn vị vận tải, 388 công trình xây dựng.
Tính theo địa phương, TP.Hà Nội có 193 cơ sở, Vĩnh Phúc có 61 cơ sở, Bắc Ninh có 129 cơ sở, Quảng Ninh có 150 cơ sở, Hải Dương có 83 cơ sở, Hải Phòng có 109 cơ sở...
Quyết định nêu rõ, Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 /3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tổ chức cập nhật và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan tại địa phương thông báo cho các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và tổ chức quản lý, theo dõi thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn; Tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước ngày 1/2 hàng năm.
Các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước có nhiệm vụ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là thành viên thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, thực hiện báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở, đồng thời báo cáo tập đoàn, tổng công ty để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương. Tổ chức rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; Tổng hợp gửi Bộ Công Thương trước 1/2 hàng năm.
Theo đó, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành Năng lượng Việt Nam nói riêng.
Nghị quyết 55 đề ra mục tiêu tổng quát “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia”, theo đó cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, hướng đến một ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhằm mục tiêu khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; Triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Lan Anh (T/h)