Chủ nhật, 24/11/2024 07:58 (GMT+7)
Thứ ba, 29/09/2020 06:00 (GMT+7)

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, cùng với thiên tai, bão lũ, hạn hán... gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và đời sống người dân. Bên cạnh đó, các thảm hoạ do biến đổi khí hậu đang khiến hàng triệu người phải di cư mỗi năm.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao, các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…

Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước. Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900.

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Một sông băng tan chảy ở quần đảo Svalbard, Bắc Cực. (Ảnh: Getty Images)

Tình trạng phát thải carbon toàn cầu hiện nay đang khiến Trái Đất nóng lên hơn so với những dự tính ban đầu, tăng 2,8-4,6°C trong khoảng từ 2080 đến 2100. Các tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu là quá rõ ràng nếu khí thải không được kiểm soát chặt chẽ.

Trên toàn thế giới, BĐKH đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và sức khoẻ con người.

Lũ lụt, bão, nắng nóng và hạn hán có thể gây thiệt hại cho kinh tế thế giới đến 300 tỉ USD mỗi năm theo nghiên cứu mới đây của Liên Hợp Quốc. Theo đó, có đến 90% số vụ thảm họa toàn cầu có nguyên nhân bắt nguồn từ thời tiết.

Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng còn ảnh hưởng đến hạ tầng và hoạt động giao thông, vận tải trên toàn thế giới. Trích dẫn một báo cáo năm 2018, các chuyên gia thuộc Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) nhận định, 60% cảng biển của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) có nguy cơ ngập lụt cao vào năm 2100, gián đoạn hoạt động của tàu, thuyền và gây thiệt hại các cơ sở hạ tầng ven biển. Mực nước biển dâng cao được dự báo sẽ ảnh hưởng toàn bộ khu vực bờ Biển Bắc, nơi tàu, thuyền thường xuyên ra vào tại hơn 500 bến cảng.

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Nước biển dâng cao đang đe doạ sự sống của nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Những cơn bão lớn hình thành do biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Các quốc gia phải chi hàng tỉ đô la để cứu tế. Vì vậy, khí hậu càng khắc nghiệt, kinh tế càng thâm hụt.

Bên cạnh tổn thất về kinh tế còn ảnh hưởng đến đời sống con người. Theo đó, người dân phải mua thực phẩm với giá đắt. Giá nhiên liệu thì leo thang. Lợi nhuận từ ngành công nghiệp và du lịch giảm sút. Nhu cầu cấp thiết sử dụng thực phẩm sạch và nước sạch sau mỗi cơn bão lũ…

Tổ chức WHO cũng từng thông báo rằng nhiều dịch bệnh đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Những vùng khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện những loại bệnh chỉ xuất hiện ở vùng nhiệt đới. Cũng theo khảo sát, trung bình có khoảng 150 nghìn người chết do biến đổi khí hậu gây ra.

BĐKH khiến hơn 20 triệu người di cư mỗi năm

Theo báo cáo từ tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu đã khiến 20 triệu dân phải chuyển tới nơi ở mới mỗi năm, tương đương cứ 2 giây lại có người di cư.

Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến con người phải di cư, điều này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia nghèo đói, mặc dù đóng góp vào tình trạng ô nhiễm carbon toàn cầu của các nước này nhỏ hơn so với các quốc gia giàu có khác.

Oxfam chỉ rõ các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng xảy ra theo mùa. Số người phải sơ tán do nguyên nhân này cao gấp 3 lần số người phải sơ tán do xung đột, cao gấp 7 lần so với núi lửa phun trào và động đất.

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Người dân Sudan di cư do biến đổi khí hậu. (Ảnh: CNN)

Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng nếu lãnh đạo các nước không có hành động ngăn chặn các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu. Di cư trong nước sẽ là gánh nặng tài chính cho các chính phủ, theo ông Tim Gore, người đứng đầu chính sách của Oxfam về vấn đề khí hậu và thực phẩm.

"Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là người nghèo, người yếu thế trong xã hội và đặc biệt là phụ nữ. Hiện tượng di cư gây xáo trộn kết cấu xã hội", ông Gore chỉ ra.

Theo vị chuyên gia, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đột ngột như lốc xoáy thu hút nhiều sự chú ý từ phía chính quyền và cộng đồng, nhưng các hiện tượng khởi phát chậm như mực nước biển dâng cao cũng có tác động tương tự và thậm chí còn trầm trọng hơn.

Ví dụ, lũ lụt ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở các vùng ven biển có thể khiến đất nhiễm mặn và không thể sử dụng cho việc canh tác, đẩy người dân rời khỏi khu vực này mãi mãi.

Vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc di cư. Hiện tại, khoảng 80% những người di cư sống ở châu Á. Những đảo quốc nhỏ đang phát triển như Cuba, Dominica và Tuvalu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chiếm 7 trong top 10 nước có tỉ lệ di cư cao nhất do khủng hoảng khí hậu từ năm 2008 đến năm 2018.

Theo báo cáo phân tích dữ liệu của Trung tâm kiểm soát di cư nội địa, những người sống tại các đảo quốc nhỏ đang phát triển có khả năng di cư do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cao gấp 150 lần so với những người dân ở châu Âu.

Việt Nam: Khủng hoảng di cư do BĐKH

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Việt Nam là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trù phú nhất trên Trái đất, giữ tầm quan trọng toàn cầu về xuất khẩu gạo, tôm và trái cây.

Trong những năm gần đây, BĐKH đang gia tăng tại khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long kèm theo đó là những biểu hiện của các yếu tố cực đoan như: nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển... diễn ra thường xuyên hơn gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL.

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: TTXVN)

Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Việt Nam đứng thứ 4 trong 164 quốc gia được khảo sát về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn.

Dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của khu vực này sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỉ USD.

Theo kết quả quan trắc của các ngành chức năng ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới đây cho thấy, nguồn nước mặt, nước ngầm đang bị cạn kiệt và ô nhiễm do những tác động của BĐKH và hoạt động khai thác nước tự phát, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, xả thải của công ty, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung dọc theo các tuyến sông.

Có hàng loạt tác động liên quan đến khí hậu đằng sau hiện tượng di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ở khu vực Tây Nam Bộ, bờ biển sạt lở khiến nhà cửa bị nước nuốt chửng, một số nơi vành đai ven biển mất sâu đến 100m chỉ trong một năm. Hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do nước biển xâm nhập đất liền, trong khi số khác do hạn hán.

Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu - Ảnh 5
Bờ biển tại Hà Tĩnh bị sạt lở sau bão số 5 vừa qua. (Ảnh: Zingnews)

Theo một báo cáo được công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng hơn 12% dân số Việt Nam và làm giảm tốc độ tăng trưởng 10%. IMF đánh giá Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế, vốn lệ thuộc nặng vào nhiên liệu hóa thạch và khai thác bừa bãi tài nguyên tự nhiên nếu muốn giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

IMF đề xuất 5 hướng chính sách cho Việt Nam nhằm ứng phó biến đổi khí hậu:

1. Giảm nhiên liệu hóa thạch.

2. Khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ theo đuổi tăng trưởng xanh, gần gũi với môi trường.

3. Đầu tư vào hạ tầng thích ứng với khí hậu.

4. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

5. Chuyển sang sử dụng xe điện, xe tự hành và hình thức chia sẻ phương tiện giao thông giống Singapore.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Hàng triệu người di cư mỗi năm do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới