Chủ nhật, 24/11/2024 05:41 (GMT+7)
Thứ tư, 11/05/2022 12:00 (GMT+7)

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững kinh tế biển

Theo dõi KTMT trên

Phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng; đồng thời bảo đảm sinh kế biển bền vững, tăng thu nhập cho người dân, khai thác tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường biển.

Nhiều bất cập trong phát triển ngành thủy sản

Ngày 7/7/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, đặt mục tiêu vừa khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, song song với việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân; mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được. Theo thống kê, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển. 

Việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP có tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành. Năm 2021, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,89 tỷ USD, thị trường xuất khẩu mở rộng tới hơn 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân ngành thủy sản hàng năm đã tạo thêm việc làm cho khoảng 150.000 lao động. 

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), so với các chính sách trước đây, Nghị định 67/2014 có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện để phát triển ngành thủy sản, và đặc biệt hỗ trợ đóng tàu cá mới công suất lớn, trong đó có ưu tiên tàu vỏ thép. Sau 7 năm thực hiện, Nghị định 67/2014 đã chứng minh đây là chủ trương đúng, với cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ đã đi vào cuộc sống, được ngư dân ủng hộ và đến nay cơ bản đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu cá.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nghị định nói riêng và phát triển thủy sản nói chung vẫn gặp nhiều vấn đề như: Cơ sở hạ tầng thủy sản xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay).

Theo các chuyên gia, những bất cập xuất phát từ những nguyên nhân sau: Thứ nhất, việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ. Thứ hai, công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ, vẫn để lọt nhiều chủ tàu không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay đóng tàu. Thứ ba, công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao, nhất là việc đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững kinh tế biển - Ảnh 1
Phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển bền vững đất nước. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số ngư dân cho đây là tiền hỗ trợ của Nhà nước nên có tư tưởng lợi dụng, chây ỳ, không trả nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ. Thứ năm, ngư dân thiếu hiểu biết về tàu vỏ thép, thiếu kỹ năng khai thác vận hành trang thiết bị hiện đại.... Thứ sáu, nuôi trồng thủy sản biển tuy đã phát triển rộng rãi trên nhiều vùng của đất nước nhưng nghề nuôi biển Việt Nam mới ở trình độ thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực ven bờ và đã bộc lộ một số bất cập như: Còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng thiếu và yếu; việc cung cấp con giống, thức ăn, công nghệ nuôi nhiều hạn chế; chưa hình thành được các chuỗi giá trị, chưa có thị trường ổn định; phải đối mặt với không ít những rủi ro về thiên tai, môi trường và dịch bệnh; nuôi biển ven bờ còn chồng lấn với các ngành khác như giao thông, du lịch,… dẫn đến phát triển chưa bền vững. 

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đầu tư được phê duyệt sẽ tạo điều kiện tốt cho Ban quản lý khu bảo tồn biển thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; nâng cao hiệu quả quản lý đa dạng sinh học biển, góp phần bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản biển. Cuối cùng, chính sách của Nhà nước trong hoạt động thuỷ sản tại Điều 6, Luật Thuỷ sản năm 2017 chưa được quy định.

Hoàn thiện chính sách với nền tảng xây dựng kinh tế biển xanh 

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, trước hết cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển, nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, biến đổi khí hậu... Trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh là nền tảng.

Nhằm định hướng đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đó nhấn mạnh chủ trương “Nuôi trồng và khai thác hải sản: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường”. 

Bên cạnh đó, để thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược về phát triển thủy sản; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, rất cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản. Do đó, việc xây dựng và thực hiện “Nghị định về chính sách phát triển thuỷ sản” thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ là cần thiết.

Thực hiện yêu cầu cấp thiết này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản.  Đáng chú ý, dự thảo Nghị định bao gồm 4 nội dung mới như sau: Đầu tư các hạng mục thiết yếu của khu bảo tồn biển; đầu tư Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với nuôi biển; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; đưa trình tự, thủ tục vào Nghị định.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung 5 nội dung bao gồm: Làm rõ, chi tiết các hạng mục thiết yếu cụ thể trong đầu tư; bổ sung đối tượng là chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biển, sản xuất giống cá biển vào chính sách hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo; làm rõ việc xử lý đối với các khoản cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và chuyển đổi chủ tàu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá; làm rõ đối tượng, cơ chế trong chuyển nhượng tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67; chuyển từ hỗ trợ theo thực tế sang hỗ trợ một lần đối với chính sách duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép.

Dự thảo nêu rõ, tổng nhu cầu kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện Nghị định là 43.365 tỷ. Trong đó, kinh phí nuôi trồng thủy sản 6.100 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ khai thác 36.415 tỷ; hỗ trợ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản 850 tỷ.

Theo đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan tổ chức khác như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội...chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị định.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện xây dựng Dự thảo Nghị định, Bộ NN&PTNT đã rà soát, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu lồng ghép bình đẳng giới theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bình đẳng giới và các quy định có liên quan tại Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04/6/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 15/7/2009 của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và Thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13/8/2014 của Bộ Tư pháp quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững kinh tế biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới