Chủ nhật, 24/11/2024 08:07 (GMT+7)
Thứ năm, 24/03/2022 14:00 (GMT+7)

Xây dựng tài khoản đại dương hướng tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế biển

Theo dõi KTMT trên

Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Đại dương là nguồn sinh kế quan trọng

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển xanh với hơn 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ; hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng và là nơi sinh sống của khoảng 11.000 sinh vật biển.

Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý thông tin liên quan đại dương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các dữ liệu về đại dương thường bị phân mảnh, do nhiều tổ chức khác nhau sắp xếp và rất khó tích hợp.

Bên cạnh đó, nhận thức chung về phát triển bền vững đất nước dựa vào tiềm năng biển, đảo còn chưa đầy đủ; kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, nên hiệu quả sử dụng thấp, kém bền vững; các phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư xứng đáng; tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo; đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản giảm sút; môi trường biển bị ô nhiễm, biến đổi theo chiều hướng xấu.

Theo nhận định của TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những hệ sinh thái biển và ven biển lành mạnh góp phần phát triển toàn diện, điều hòa khí hậu cũng như cải thiện đời sống người dân, hướng tới một tương lai bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Tài khoản đại dương sắp xếp các dữ liệu đại dương (xã hội, môi trường, kinh tế) thành một khuôn khổ chung sử dụng cấu trúc tương tự như tài khoản quốc gia. Tài khoản đại dương cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế đại dương ngoài Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 14, 15.9 và 17.19 cũng như các tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Ngoài ra, tài khoản đại dương cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.

Tài khoản đại dương giúp phát triển kinh tế biển bền vững

Theo các chuyên gia, việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Xây dựng tài khoản đại dương hướng tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế biển - Ảnh 1
Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.

Được biết, tài khoản đại dương là một tập hợp có cấu trúc thông tin nhất quán và có thể so sánh được: bản đồ, số liệu thống kê và chỉ số liên quan đến môi trường biển và ven biển, các hoàn cảnh xã hội và hoạt động kinh tế có liên quan phù hợp với SEEA. Mục đích chung của các tài khoản này là để thông báo và cho phép ra quyết định chính sách công về đại dương cũng như các nghiên cứu liên quan. 

Để xây dựng tài tài khoản đại dương nhằm theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDG14, Việt Nam cần có hướng tiếp cận mới như sau: Xác định việc nghiên cứu các vấn đề về đại dương là một trong những hướng ưu tiên ở cấp quốc gia và mang tầm chiến lược để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG14; Việc thiết lập và duy trì tài khoản đại dương cần chú trọng tới các chỉ số phát triển bền vững bao gồm: các chỉ số SDG, các chỉ số thiên tai, các chỉ số về biến đổi khí hậu và các chỉ số khác có liên quan; Cần xây dựng nền tảng nguồn dữ liệu quốc gia có liên quan về đại dương; Triển khai các chương trình dự án thí điểm về hạch toán giá trị của đại dương cho nền kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về nghiên cứu các vấn đề liên quan tới đại dương.

Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ben Milligan, Giám đốc Ban Thư ký Diễn đàn Hạch toán Tài khoản đại dương vì phát triển bền vững cho biết, tài khoản đại dương sắp xếp các dữ liệu đại dương (xã hội, môi trường, kinh tế) thành một khuôn khổ chung sử dụng cấu trúc tương tự như tài khoản quốc gia.

Tài khoản đại dương cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế đại dương ngoài Tổng sản phẩm quốc nội, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như các tiêu chuẩn thống kê quốc tế.

Ngoài ra, tài khoản đại dương cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.

Cũng tại Hội thảo, TS. Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, qua thực hiện thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại tỉnh Quảng Ninh từ tháng 9/2021 đến 3/2022 cho thấy, đóng góp từ kinh tế biển tăng từ 14,117 tỷ đồng vào 2018 lên 17,730 tỷ đồng vào 2020.

Trong kinh tế biển, đóng góp của khai thác và nuôi trồng thủy hải sản là lớn nhất (38%), công nghiệp và vận tải có mức đóng góp tương tự nhau (18.4% và 18.6%); dịch vụ khác 19.3% và thấp nhất là ăn uống, lưu trú, du lịch 5.3%.

Tổng diện tích rừng ngập mặn 2015-2020 ổn định, có xu hướng tăng nhẹ về diện tích 1.9%, tuy nhiên diện tích quy hoạch cho đặc dụng phòng hộ giảm mạnh do chuyển sang rừng sản xuất.

“Việc lập tài khoản cho các tài sản hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển, cá, loài đặc hữu còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về số liệu; cần có các đầu tư của nhà nước của tỉnh để thu thập số liệu này một cách có hệ thống và dài hạn” - TS. Kim Thị Thúy Ngọc nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng tài khoản đại dương hướng tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới