Chủ nhật, 24/11/2024 07:54 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 09:18 (GMT+7)

Hoàn thiện pháp luật bảo vệ động vật hoang dã - Bài 1: 'Lợi bất cập hại' ở các cơ sở nuôi nhốt

Theo dõi KTMT trên

Lợi dụng sự chồng chéo và chưa chặt chẽ trong một số quy định pháp luật hiện nay về việc quản lý nguồn gốc động vật, các đối tượng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã tăng cường hoạt động, đe dọa sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật bảo vệ động vật hoang dã - Bài 1: 'Lợi bất cập hại' ở các cơ sở nuôi nhốt - Ảnh 1
Một cơ sở nuôi cá sấu tại Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tại Việt Nam, việc nuôi động vật hoang dã có từ rất lâu, nhiều loài động vật quý, hiếm được nhân nuôi sinh sản để phục vụ mục đích thương mại. Một số loài động vật hoang dã được lai tạo và thuần hóa như hươu sao, lợn rừng...

Nở rộ phong trào gây nuôi

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature, một tổ chức bảo vệ môi trường ngoài công lập ra đời năm 2004 tại Việt Nam), có trên 70 loài động vật hoang dã thuộc các lớp thú, chim, bò sát đang được gây nuôi ở các trang trại với quy mô khác nhau tại nước ta. Một số loài được nuôi phổ biến như: khỉ đuôi dài, cá sấu nước ngọt, trăn đất, trăn gấm, các loài rắn hổ mang thường, rắn hổ mang chúa, ba ba Nam Bộ, ba ba trơn, rùa răng. Một số cơ sở nuôi thành công các loài thú quý, hiếm có nguồn gốc nhập khẩu như tê giác trắng châu Phi, sư tử...

Pan Nature cho biết, cả nước có hơn 14.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã. Nhiều cơ sở gây nuôi ở quy mô công nghiệp (trong đó có 10 cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt với năng lực sản xuất hằng năm gần đây đạt trên 120 nghìn cá thể; hàng trăm cơ sở nuôi trăn với năng lực sản xuất hằng năm lên đến 200 nghìn cá thể, một số cơ sở nuôi khỉ đuôi dài có năng lực sản xuất hằng năm hơn 10.000 cá thể).

Phần lớn các cơ sở nuôi động vật hoang dã tập trung ở các tỉnh phía Nam (chiếm 70%), đặc biệt là miền Đông và miền Tây Nam Bộ, nơi có điều kiện thuận lợi hơn về thời tiết, khí hậu và nguồn cung thức ăn cho động vật hoang dã.

Sản phẩm động vật hoang dã từ Việt Nam được xuất khẩu hợp pháp đến nhiều thị trường trên thế giới như: Italy, Tây Ban Nha, Vương Quốc Anh, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Hoạt động gây nuôi mang lại nguồn thu trung bình hằng năm trong 5 năm gần đây lên tới 60 triệu USD, bước đầu mang lại việc làm, thu nhập cho khoảng 35.000 lao động.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: Tính đến tháng 6/2020, trên địa bàn tỉnh hiện có 13.540 cá thể động vật hoang dã thuộc 92 loài đang được nuôi tại 2.357 cơ sở. Trong số này có 1.448 cá thể thuộc 50 loài động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp, được nuôi tại 29 cơ sở (4 tổ chức và 25 hộ gia đình). Có 12.092 cá thể thuộc các loài động vật hoang dã thông thường như: hươu, nai, lợn rừng…được nuôi tại 2.701 cơ sở (riêng hươu sao có 6.831 cá thể được nuôi tại 2.164 cơ sở).

Đa số các gia đình nuôi động vật hoang dã thông thường (không nằm trong danh mục các loài quý, hiếm) như hươu sao, nai, lợn rừng… đều thực hiện theo kiểu tự phát, kỹ thuật nuôi nặng về kinh nghiệm truyền miệng.

Do các loài động vật hoang dã thông thường ít bị bệnh, sản phẩm dễ được tiêu thụ nên nhiều gia đình nông dân ở Nghệ An chọn nuôi. Họ coi đó là việc chuyển dịch tích cực cơ cấu vật nuôi từ các động vật truyền thống như lợn, trâu, bò sang các loài “cao cấp” hơn. Theo Luật Đầu tư, việc gây nuôi động vật hoang dã là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Một cuộc khảo sát gần đây của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, Việt Nam có trên 18.000 cơ sở (lớn hơn nhiều so với con số 14.000 cơ sở do Pan Nature đưa ra) đang nuôi nhốt hơn 100 loài động vật hoang dã. 

Tiến sỹ Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nước có xuất phát điểm thấp, chăn nuôi vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nếp sống, đặc điểm văn hóa, cơ cấu lao động vùng miền tác động lớn đến hoạt động nuôi động vật hoang dã.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, nơi chiếm đến 70% cơ sở nuôi động vật hoang dã trên cả nước, một số người dân địa phương vẫn coi động vật hoang dã là “tặng vật” mà thiên nhiên ban cho người dân vùng ngập nước, đặc biệt là vào mùa lũ. Còn tồn tại tình trạng người dân săn bắt hay nuôi nhốt ba ba, trăn, rắn. Các thị trường tiêu thụ chủ yếu sản phẩm động vật hoang dã của Việt Nam là Trung Quốc, Cộng đồng châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nơi động vật hoang dã được sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp thời trang, nghiên cứu khoa học... Các thị trường lớn sẽ thúc đẩy hoạt động nuôi thương mại động vật hoang dã ở quy mô công nghiệp.

"Trộn" động vật hoang dã vào cơ sở nuôi nhốt

Hoàn thiện pháp luật bảo vệ động vật hoang dã - Bài 1: 'Lợi bất cập hại' ở các cơ sở nuôi nhốt - Ảnh 2
Việc cấm buôn bán động vật hoang dã nhằm giảm nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai.

Giá thành nuôi và nhu cầu tăng giảm của thị trường quyết định mức độ tuân thủ pháp luật trong việc nuôi nhốt: khi giá thành nuôi cao (thức ăn, chi phí quản lý...) thì người nuôi có xu hướng tìm cách “trà trộn” động vật có nguồn gốc tự nhiên và sản phẩm của chúng vào cơ sở nuôi nhốt (do chi phí cho việc khai thác rẻ hơn việc nuôi nhốt hoặc do năng lực sản xuất không đáp ứng thị trường).

Năng lực thực thi luật pháp về quản lý việc nuôi động vật hoang dã của lực lượng chuyên trách cũng tác động tới hành vi vi phạm pháp luật. Một số cán bộ kiểm lâm tại địa phương yếu về kỹ năng áp dụng các điều luật và thiếu các kỹ năng nhận biết động vật hoang dã.

Bà Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và phát triển - Change (tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập với mục đích mang lại những thay đổi bền vững về môi trường và phát triển), cho biết: Hiện tại, sự đóng góp của hoạt động gây nuôi đối với việc bảo tồn vẫn là một câu hỏi lớn. Việt Nam chưa có đánh giá nào về tác động của hoạt động nuôi đối với việc giảm áp lực săn bắn trong tự nhiên.

Việc gây nuôi để thả lại tự nhiên mới chỉ được ghi nhận ở một số nhóm loài cụ thể, những loài ít mất bản năng tự nhiên do bị nuôi như cá sấu, trăn. Trong khi đó, một số loài bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên nhưng lại có quần thể rất lớn trong môi trường nuôi. Nếu không được quản lý tốt thì hoạt động nuôi sẽ gây suy thoái nguồn gen do sự lai tạp và giao phối đồng huyết, cận huyết. Việc nuôi nhốt có rủi ro là lây nhiễm một số bệnh mới sang con người và các vật nuôi khác.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature), hiện tại khá phổ biến tình trạng nhập lậu động vật hoang dã vào các cơ sở chăn nuôi thông qua việc bán giấy phép vận chuyển từ các trang trại chăn nuôi để lưu thông động vật hoang dã được săn bắt từ tự nhiên. Điều này cho thấy, hoạt động chăn nuôi nếu không được quản lý chặt chẽ thì không làm suy giảm áp lực săn bắt động vật hoang dã ngoài tự nhiên mà còn đẩy các loài hoang dã vào nguy hiểm.

Bài cuối: Cân nhắc cấp phép gây nuôi thương mại

Diệu Thúy

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện pháp luật bảo vệ động vật hoang dã - Bài 1: 'Lợi bất cập hại' ở các cơ sở nuôi nhốt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới