Chủ nhật, 24/11/2024 07:36 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/11/2020 09:15 (GMT+7)

Hội An trước nguy cơ mất bãi biển

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng sạt lở tại bờ biển Hội An đang ở mức báo động, nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu, khả năng bãi biển từng được cho là đẹp nhất hành tinh sẽ bị biến mất.

Chiều 19/11, tại TP.Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND TP.Hội An tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình sạt lở bờ biển Hội An và phương án đầu tư các công trình bảo vệ biển trong 2 năm tới.

Bờ biển Hội An có chiều dài gần 8km, phần lớn khu vực dọc bờ biển đã được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lưu trú.

Thế nhưng những năm qua, do hậu quả của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, khu vực bờ biển Cửa Đại và Cẩm An bị sạt lở nghiêm trọng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của các đợt mưa, bão vừa qua, bờ biển Hội An tiếp tục bị sạt lở lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại uy hiếp các khách sạn, nhà hàng ven bờ.

Hội An trước nguy cơ mất bãi biển - Ảnh 1
Biển Cửa Đại bị sạt lở nghiêm trọng sau những đợt bão vừa qua. 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2009 - 2016, ngân sách tỉnh, trung ương và TP.Hội An đổ vào việc xây kè chống sạt lở ở bờ biển Cửa Đại đã hơn 80 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, đã có thêm hàng trăm tỉ đồng đổ xuống bờ biển Cửa Đại. Tuy vậy, việc chống sạt lở vẫn không mang lại hiệu quả.

Đầu tiên có thể kể đến dự án kè bờ biển Cửa Đại bằng bê tông cốt thép mái nghiêng đoạn từ khách sạn Vinpearl đến khách sạn Sunrise (2010), tổng chiều dài 851m, tổng mức đầu tư hơn 68 tỉ đồng. Dự án kè mềm bằng túi địa kỹ thuật đoạn từ khách sạn Victoria đến nhà hàng Hòa Hưng (2014), chiều dài 415m, tổng mức đầu tư gần 20 tỉ đồng.

Năm 2015, dự án kè mềm bằng túi vải Geotube thực hiện khẩn cấp chống xâm thực đoạn từ khách sạn Victoria về hướng tây bắc, tổng chiều dài tuyến kè 1.020m, kinh phí hơn 54,5 tỉ đồng. Gần đây nhất là dự án kè ngầm 220m khu vực bờ biển Cửa Đại, kinh phí 40 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, tài nguyên biển, bãi tắm biển góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Hội An, đặc biệt là kinh tế du lịch, do đó biển sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến thành phố. Rất nhiều hội nghị, hội thảo tìm kiếm nguyên nhân, giải pháp cho việc sạt lở bờ biển Hội An đã được tổ chức nhưng đến nay nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở vẫn chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, thời gian qua, hơn 7km bờ biển Hội An đang đối mặt sạt lở và biển xâm thực ngày càng mạnh. Đến nay, chỉ sau 7 năm (2013-2020), toàn bộ bờ biển Hội An với hơn 7km đều bị sạt lở một cách nghiêm trọng; bãi tắm biển Cửa Đại đã không còn, bãi tắm biển An Bàng, Tân Thành nguy cơ sẽ mất chỉ trong 1-2 năm nữa.

Tại Hội thảo nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia cho rằng, cùng với biến đổi của khí hậu và thời tiết cực đoan, tình trạng sạt lở tại bờ biển Hội An đang ở mức báo động, nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu, khả năng biến mất của bãi biển từng được cho là đẹp nhất hành tinh sẽ sớm thành hiện thực.

Theo báo Pháp luật VN, tại hội thảo, TS Ngô Anh Đào (Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International) cho biết, khu vực biển Hội An và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có một đới bờ và địa hình độc đáo, cần được bảo vệ.

“Hội An cần thực hiện các giải pháp bảo vệ bờ biển theo phương châm là “thuận thiên”, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Thay vì sử dụng những kè cứng (đá, thép, xi măng), Hội An nên tính đến ý tưởng “thích ứng với thiên nhiên”. Điều này đồng nghĩa với việc Hội An nên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên và kết hợp với kỹ thuật ổn định bờ phù hợp với điều kiện thực tế cũng như không gian thực tế để xây dựng kè.

Hội An trước nguy cơ mất bãi biển - Ảnh 2

Ngoài ra, khi tiến hành đưa ra các phương án bảo vệ bờ biển, Hội An cũng phải hiểu hơn thiên nhiên và ứng xử phù hợp hơn với con nước tại đây để có giải pháp phù hợp; phải tiếp tục nghiên cứu tổng thể và có những đánh giá đầy đủ về sông và dòng chảy; phải thường xuyên quan trắc để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài, thuận theo tự nhiên chứ không hành động ngược lại với tự nhiên”, TS Ngô Anh Đào đề xuất.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Thế Hùng (Khoa Thủy lợi, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho rằng, giải pháp hiện nay phải chỉnh trị đồng bộ, khép kín, chỗ nào gia cố chưa đủ độ bền vững, tiến hành gia cố lại để sóng biển tấn vào bất kỳ hướng nào cũng không bị ảnh hưởng.

Đồng tình với ý kiến của GS.TS Nguyễn Thế Hùng, ông  Nguyễn Văn Vỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung và Tây nguyên cho rằng, trước mắt UBND TP.Hội An tiếp tục triển khai giải pháp khẩn cấp chờ đến khi triển khai hệ thống kè, xây dựng hệ thống camera giám sát ven bờ, đo đạc kỹ thuật; lấy khoảng 4 triệu m2 khối cát ở khu vực khác để đổ vào khu vực đang mất cát tại bờ biển Hội An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, việc kè chống sạt lở biển Cửa Đại rất quan trọng nên giải pháp phải mang tính tổng thể, đặc biệt Hội An phải cố gắng giữ bờ biển, hạn chế sạt lở trước khi tỉnh triển khai các giải pháp tổng thể lâu dài.

Dự kiến trong quý I/2021 tỉnh sẽ khởi công xây dựng tuyến kè ngầm trị giá 300 tỉ đồng tại biển Cửa Đại nhằm phá sóng từ xa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng góp sức, tùy theo khả năng cố gắng giữ vững bờ biển, hạn chế thấp nhất sạt lở trong thời gian tới.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Hội An trước nguy cơ mất bãi biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới