Chủ nhật, 24/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ ba, 20/09/2022 07:00 (GMT+7)

Khởi động Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong 10 nước ASEAN

Theo dõi KTMT trên

Dự án mua bán điện đa phương được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới tăng cường kết nối và chia sẻ tài nguyên điện, tạo ra một hệ thống an ninh năng lượng cho toàn khu vực bằng cách kết nối vào một mạng lưới điện chung.

Mới đây, dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN giữa 4 quốc gia đã thành hiện thực, mở ra triển vọng cho việc kết nối hệ thống mạng lưới điện chung trong 10 nước ASEAN.

Dự án mua bán điện giữa Lào và Singapore là một phần của dự án tích hợp điện năng rộng hơn có sự tham gia của 4 nước Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (Dự án LTMS-PIP) được chính phủ các nước ASEAN trên chính thức thông qua trong Tầm nhìn ASEAN 2020.

Theo đó, Dự án nghiên cứu tính khả thi của việc mua bán điện năng xuyên quốc gia dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có. Đây cũng là lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN buôn bán điện xuyên biên giới với sự tham gia của 4 quốc gia. Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới tăng cường kết nối và chia sẻ tài nguyên điện, tạo ra một hệ thống an ninh năng lượng cho toàn khu vực bằng cách kết nối vào một mạng lưới điện chung. Thông qua đó, các thành viên có thể chia sẻ khả năng cung cấp, truyền tải điện cho nhau, trong khi các nước dư thừa điện sẽ bán cho các nước có nhu cầu một cách dễ dàng và thuận lợi.

Khởi động Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong 10 nước ASEAN - Ảnh 1
Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong ASEAN giữa 4 quốc gia mở ra triển vọng cho việc kết nối hệ thống mạng lưới điện chung trong 10 nước ASEAN.

Cụ thể, trong 2 năm, bắt đầu từ năm nay, Lào sẽ bán cho Singapore 100 MW, chiếm khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020 và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 144.000 căn hộ chung cư 4 phòng ở Singapore trong một năm.

Từ cuối tháng 6, Singapore đã nhập khẩu điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Lào trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài 2 năm. Con số 100 MW tương đương với khoảng 1,5% nhu cầu điện cao điểm của Singapore vào năm 2020, đủ để cung cấp cho khoảng 144.000 căn hộ 4 phòng trong 1 năm.

Ông Chanthaboun Soukaloun,Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Lào (EDL) cho biết EDL bán điện cho Singapore theo hạn mức năng lượng. Hiện nay Lào có khoảng 90% dự án điện là sử dụng năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng xanh và thị trường này cũng sẽ mở ra cơ hội cho EDL và các nhà đầu tư tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện, điện Mặt Trời và điện gió.

"Hơn 90% dự án của Tập đoàn Điện lực Lào là sử dụng năng lượng tái tạo mà chúng ta gọi là năng lượng xanh và hiện nay tất cả mọi người đều muốn sử dụng năng lượng xanh. Vì thế tôi cho rằng thị trường mới mở này của Tập đoàn Điện lực Lào cũng mở ra cơ hội cho chúng tôi và cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy điện, đặc biệt là các dự án thủy điện, điện mặt trời và phong điện tại Lào", ông Chanthaboun Soukaloun, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Lào, cho biết.

Có thể thấy, thành công của dự án mua bán điện giữa Lào và Singapore không chỉ mang lại lợi ích cho các nước tham gia dự án, mà còn giúp mở ra triển vọng cho việc thúc đẩy việc hình thành hệ thống mạng lưới điện ASEAN. Đồng thời tạo cơ hội mở rộng thị trường bán điện, kích thích đầu tư, đặc biệt là bảo đảm an ninh năng lượng cho thành viên trong khối ASEAN.

Việc các nước trong khu vực xuất khẩu năng lượng không chỉ mang lại lợi ích cho các nước xuất khẩu, mà còn giúp các nước trong khu vực không có nguồn năng lượng tái tạo có thể đảm bảo được năng lượng phục vụ cho đời sống của người dân, duy trì sản xuất công nghiệp, đồng thời giải quyết được những khó khăn trong việc giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng.

Năng lượng tái tạo của Việt Nam là “cơ hội vàng” cho các nước ASEAN

Năng lượng tái tạo đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời.

Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô cũng như tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022). Theo báo cáo tổng kết năm 2020 hệ thống lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam đã bổ sung thêm 9,3GW vào lưới điện quốc gia. Điều này giúp cho Việt Nam đạt một kỷ lục mới trong lĩnh vực điện năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, các nguồn năng lượng tái tạo đóng một vai trò lớn trong lĩnh vực năng lượng hiện nay. Việt Nam sẽ tăng công suất truyền tải nâng cấp nhằm vận hành lưới điện một cách linh hoạt hơn, đồng nghĩa với đó là công suất năng lượng truyền thống (than, dầu, khí đốt,…) phải giảm xuống. 

Cũng theo dự thảo Quy hoạch điện VIII thì sẽ có một lượng lớn nhà máy than điện sẽ phải đóng cửu. Dự kiến trong giai đoạn 2026-2030 thì Việt Nam sẽ không có thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào. Đồng thời, năng lượng mặt trời và gió sẽ chiếm 28% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 và 41% vào năm 2045. 

Việt Nam đã trở thành tâm điểm toàn cầu về đầu tư năng lượng tái tạo trong những năm qua. Trong 3 năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích (FIT), đến 31/12/2020, hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng với cơ chế giá FIT, đến ngày 31/10/2021, hệ thống điện đã tiếp nhận và đưa vào vận hành khoảng 4.000 MW điện gió. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.

Do vậy, với khung pháp lý thuận lợi, tới đây Việt Nam nói riêng cũng như khu vực ASEAN nói chung sẽ thu hút được hàng loạt các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tạo ra động lực lớn cho hệ thống Lưới điện ASEAN, qua đó xây dựng một "giao lộ" mới với Việt Nam là một trung tâm kinh doanh điện năng khác. Hiện tại, Đông Nam Á đang có một giao lộ như vậy, kết nối mạng lưới điện năng của Lào, Thái Lan và Malaysia và dự kiến bổ sung thêm Singapore.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Khởi động Dự án mua bán điện đa phương đầu tiên trong 10 nước ASEAN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới