Không "siết" hay "cắt" tín dụng vào bất động sản
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói, quan điểm là kiểm soát chặt tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn trong bất động sản, chứ không "siết hay cắt" tín dụng vào các lĩnh vực này.
Không "siết" tín dụng bất động sản
Thông tin mới đây cho biết, trả lời câu hỏi có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, nếu siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây ra những tác động lớn đến thị trường tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng, bất động sản. Tuy nhiên, NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như vậy.
Ông Tú cho hay, từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo”.
Tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Phó Thống đốc cho biết.
Ông Tú thông tin: “Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của chúng tôi hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ”.
Đồng thời, ông Tú nhấn mạnh, bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4, tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ 2021 có tăng nhanh hơn.
Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực NHNN đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
Cùng với đó, ông Tú khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu”.
Liên quan tới gói phục hồi kinh tế đang triển khai rất chậm
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, "không nên quá sốt ruột vì giải ngân vốn ngân sách rất quan trọng, giải ngân sai một đồng cũng dẫn tới hệ luỵ phức tạp".
Theo ông Phương, thực tế số tiền của chương trình phục hồi là 301.000 tỷ đồng, sau khi trừ đi 46.000 tỷ đồng dự kiến mua vaccine hiện chưa dùng tới.
Đến nay khoảng 22.000 tỷ đồng trong số 301.000 tỷ đồng này đã được giải ngân, qua 4 chương trình, như cho vay nhà ở công nhân thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ công nhân thuê nhà; miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn, gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chương trình của gói phục hồi vẫn được hoàn thiện.
Còn 130.000 tỷ đồng dành cho cơ sở hạ tầng, các dự án giao thông, ông Phương cho biết, do quy trình thủ tục phê duyệt đầu tư tuân thủ theo quy định Luật Đầu tư công, nên "cần làm cẩn trọng".
Ông Phương nói: "Các bước quy trình phê duyệt giải ngân vốn dự án theo Luật Đầu tư công rất chặt chẽ, không thể làm tắt vì sẽ vi phạm quy định luật".
Việc gói phục hồi kinh tế triển khai chậm cũng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội diễn ra đầu tuần này. Các đại biểu cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế được "thông qua nhanh, nhưng giải ngân lại quá chậm" và tới giờ "chưa qua được vòng thủ tục".
Giải trình cuối phiên thảo luận này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, gói phục hồi kinh tế cần làm "rất thận trọng để tránh sơ suất, trách nhiệm sau này".
Bùi Hằng