Khu công nghiệp sinh thái, một danh hiệu giá trị nhưng không dễ đạt được (Bài 3)
Chúng ta có thể hy vọng khoảng 5 đến 10 năm tới sẽ có danh sách dài các khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.
Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là danh hiệu mới được đưa vào xem xét phong tặng chưa lâu. Đây là cố gắng rất lớn của Nhà nước và các cấp trong việc ghi nhận thành quả nhiều mặt của một KCN, trong đó nhấn mạnh đến khía cạnh sinh thái hài hòa, giảm thiểu tác động môi trường, tạo được mối liên hệ tốt với cộng đồng, có văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp, thích hợp, được cộng đồng ghi nhận. Hiện đã có 3 Nghị định gần đây liên quan đến KCN, đó là Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định năm 2018) và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định năm 2022). Trong đó, bắt đầu từ Nghị định năm 2018 chính thức đề cập đến KCNST, tại Điều 2. Giải thích từ ngữ có mục 1 khoản c quy định rõ về KCNST:
“c) Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp”.
Nghị định này có hẵn Mục 4. Khu công nghiệp sinh thái với 10 điều quy định rất rõ từ Chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái (Điều 36), Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái (Điều 37), Xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái (Điều 38), Ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái (Điều 39), Chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái (Điều 40), Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái (Điều 41), Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái (Điều 42), Theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái (Điều 43), Chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, Giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái (Điều 44) đến Chứng nhận lại khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái (Điều 45).
Với các quy định trong 10 điều kể trên các KCN đã có đủ cơ sở pháp lý, tiêu chí xây dựng, phấn đấu để khi đạt được các tiêu chí có thể lập hồ sơ để được công nhận KCNST. Theo khoản 1 điều 40 thì “Khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái”, đồng nghĩa với việc UBND cấp tỉnh công nhận danh hiệu KCNST của tỉnh mình nhưng tiêu chí xét cấp phải tuân thủ Nghị định của Chính phủ.
Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định mới số số: 35/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định năm 2018 và đã có một số điểm thay đổi về các quy định liên quan đến KCNST nhưng không nhiều.
Đặc biệt. trong Điều 4 khoản 4 mục a của Nghị định này có quy định mang tính ưu tiên đối với KCNST, cụ thể:
“a) Không phát triển khu công nghiệp mới tại khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương, đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trừ khu công nghiệp được đầu tư theo loại hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái”
So sánh tiêu chí đánh giá về KCNST giữa 2 Nghị định, chúng tôi thấy Nghị định mới (ban hành năm 2022) có phần “nhẹ hơn” khi không quy định:
“Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” như ở Điều 42, mục 3 Nghị định năm 2018.
Qua phân tích ở trên cho thấy, các quy định về KCNST đã có và có thể đăng ký xây dựng, đăng ký để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu này. Chắc chắn KCNST có nhiều ưu điểm nổi bật, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường, tạo cơ sở hạ tầng tốt cho công nhân và người lao động, là nơi có thể lan tỏa nhiều thông điệp tốt về tiết kiệm, hiệu quả, văn hóa doanh nghiệp, là tấm gương và điểm đến trải nghiệm nhiều mặt của các cộng đồng dân cư.
Về vấn đề này chúng tôi cũng đã đề cập trong một số bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường điện tử. Khi đó hầu như chưa có KCN nào được công nhận KCNST nên khi viết bài này (5/2023) chúng tôi cố gắng tìm kiếm xem liệu đã có bao nhiêu KCN trên cả nước đạt danh hiệu này. Bằng cách tìm kiếm trên mạng, chúng tôi vẫn chưa thấy có KCN nào đã đạt và được cấp giấy chứng nhận KCNST. Lần trước chúng tôi đã nhắc đến dự án "Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện từ năm 2014, triển khai thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (TP.Cần Thơ). Không biết đến nay 2023, những KCN nào đã được cấp giấy chứng nhận là KCNST. Tra trên mạng thì có nhiều bài viết nêu một số KCNST nhưng hiện tại chúng tôi không có minh chứng nên chưa thể đề cập ở đây.
Trong các bài viết trước đây chúng tôi đã chỉ ra những khó khăn khi một KCN muốn đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu KCNST và bây giờ chúng tôi vẫn giữ quan điểm này, nghĩa là để đạt danh hiệu còn có nhiều nút thắt phải tháo gỡ trong đó có những nút thắt không phải do do KCN tạo ra. Có lẽ cũng phải chia ra hai thể loại KCN muốn phấn đấu đạt danh hiệu KCNST, đó là KCN đã hình thành từ trước khi có tiêu chí KCNST và KCN đang được xây dựng. Chắc chắn, KCN mới, đang xây dựng thì có thể dễ dàng tiếp cận tiêu chí và cố gắng đáp ứng, ví dụ như tiêu chí sau:
“Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đạt 25% trong quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng” trong Điều 37, khoản 3 mục a Nghị định năm 2022.
Nhà nước cũng khuyến khích các KCN mới mạnh dạn đăng ký và cố gắng tuân thủ thực hiện các tiêu chí để được công nhận danh hiệu KCNST. Chúng ta có thể hy vọng khoảng 5 đến 10 năm tới sẽ có danh sách dài KCNST ở Việt Nam.
Hiện nay, có một vấn đề đặt ra là làm sao có thể tích hợp kinh tế tuần hoàn vào các KCNST. Thật ra trong tiêu chí của danh hiệu này thì các doanh nghiệp trong KCNST phải “Thực hiện ít nhất 1 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp” theo khoản 2, mục b Điều 37. Trong đó, cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp được hiểu là hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hoặc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khác nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất kinh doanh. Hay khoản 2, mục c điều 37 quy định “Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường”.Nghĩa là, đã có tích hợp những nguyên lý cơ bản của Kinh tế tuần hoàn trong tiêu chí KCNST nhưng vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn để sự tích hợp mang lại hiệu quả cao nhất.
Trong bài viết này, tôi muốn đề cập tới trường hợp KCN Nam Cầu Kiền, một KCN thuộc Thành phố Hải Phòng (TP.Hải Phòng) đã có nhiều cố gắng, phấn đấu đạt danh hiệu KCNST. Tôi đã rất ấn tượng khi vào thăm KCN này đầu năm 2021 và đã được đọc, được xem nhiều ấn phẩm về một KCN khá nổi tiếng là KCN Nam Cầu Kiền thuộc TP.Hải Phòng. Chúng tôi đã được chứng kiến sự quyết tâm phấn đấu rất cao của lãnh đạo KCN, đứng đầu là Tổng Giám đốc, Luật sư Phạm Hồng Điệp. Phần lớn các điều kiện trở thành KCNST đã được xây dựng và nhiều tiêu chí nêu trong Nghị định năm 2018 đã đạt được. Các lợi thế của KCN đã được phân tích chỉ rõ như: (1) có diện tích đủ lớn (khoảng 263 ha, đã đưa vào sử dụng 160 ha từ trước 2021 và đang hoàn thành giai đoạn hai); (2) có vị trí thuận lợi, có thể kết nối với các hệ thống giao thông của TP.Hải Phòng giúp tiết kiệm tối đa chi phí vận tải. có thể sử dụng cả đường bộ, đường thủy (sông, biển) và đường hàng không; (3) đã có thời gian dài định hướng và phát triển theo mục tiêu thân thiện môi trường, dưới sự dẫn dắt của một Tổng Giám đốc có đủ tâm, tầm, tài; (4) các doanh nghiệp hoạt động trong KCN đồng thuận phấn đấu để trở thành doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện quy định ở mục 2 Điều 37 Nghị định năm 2022.
Vào thời điểm chúng tôi viết và đăng bài trong Tạp chí Kinh tế Môi trường thì đã có nhiều phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi, coi KCN Nam Cầu Kiền là KCNST, chẳng hạn, Truyền hình Hải Phòng đã có phóng sự với tiêu đề: “Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng” phân tích và cho rằng KCN này thỏa mãn cả 8 tiêu chí về KCNST. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phân tích, nêu rõ những khó khăn mà các KCN sẽ gặp phải khi xây dựng hồ sơ xin cấp phép, trong đó chủ yếu là phải có đủ minh chứng để chỉ ra KCN đã đáp ứng tiêu chí KCNST trong Nghị định năm 2018 và Nghị định năm 2022. Có lẽ phải có một số KCN đi tiên phong thì dần dần các loại minh chứng mới dễ thu thập (có thể theo mẫu). Chẳng hạn về tiêu chí doanh nghiệp trong KCN phải có ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp thì cần minh chứng gì, mức độ nào trong khi KCN Nam Cầu Kiền đã nêu được: Yếu tố cộng sinh công nghiệp đã được hình thành với 3 nhóm chính gồm: Liên kết cộng sinh ngành luyện kim, cơ khí; liên kết cộng sinh ngành điện tử và phụ trợ điện tử; liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Các nhóm cộng sinh này đã sử dụng tối đa vật liệu tái tạo theo hướng chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia.
Ngay thủ tục xét duyệt cũng gặp khó khăn, khi mà các minh chứng chưa thật rõ ràng. Việc xác minh mức độ đạt tiêu chí KCNST không hề dễ, đặc biệt là tiêu chí liên quan tới các doanh nghiệp thành phần. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào các tiêu chí dễ thấy ở KCN Nam Cầu Kiền như diện tích cây xanh mặt nước, diện tích các khu vực công cộng (nhà ăn, thư viện, quầy giải khát,…) đủ lớn, xanh sạch, hay KCN có liên kết để công nhân có khả năng nhanh chóng ổn định chỗ ở, có đủ cơ sở dịch vụ (trường học, siêu thị, cơ sở y tế,…), cho phép mọi người vào thăm,… để kết luận đạt tiêu chí KCNST thì sẽ phiến diện.
Với điều kiện khảo sát hạn chế, chủ yếu qua tham khảo các tài liệu đã được đăng tải chúng tôi thấy hầu như chưa có KCN nào đạt (có chứng nhận của cơ quan chức năng) KCNST nhưng trong chúng ta, khi đến với những KCN như Nam Cầu Kiền chúng ta có thể thấy hình ảnh KCNST đã và đang được thể hiện ngày một rõ ràng. Vấn đề là phải làm thế nào để có nhiều KCN như vậy và nhanh chóng xây dựng thành KCNST thực thụ, chính thống, được xã hội ghi nhận, tôn vinh.
Xin mạo muội trình bày một đề xuất có tính lý thuyết về cơ chế xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận KCNST. Theo cơ chế hiện nay thì hồ sơ (do KCN tự xây dựng) được gửi tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế (cấp tỉnh). Bước tiếp theo:
“Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng” - Điều 41 khoản 3 Nghị định 2022 và “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này” - Điều 41 khoản 3 Nghị định 2022.
Quả thực, đây là điều làm khó các Bộ và nếu không có chuyên gia giỏi, nắm chắc các tiêu chí KCNST và tổ chức đánh giá, cho ý kiến tốt thì sẽ mang tính hình thức nhiều hơn. Và, chỉ đánh giá trên hồ sơ trong vòng 15 ngày không biết các Bộ có thể đưa ra được ý kiến xác đáng không.
Sau khi được các Bộ đồng ý, thông qua hồ sơ thì bước tiếp theo cũng phức tạp không kém, khi “Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức đánh giá hồ sơ và lập báo cáo đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này. Trong quá trình tổ chức đánh giá, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tham khảo ý kiến của tổ chức hoặc đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng các điều kiện về cung cấp dịch vụ tư vấn, đánh giá, xác nhận về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn theo quy định của pháp luật” - Điều 41 Nghị định năm 2023.
Thật ra, việc thẩm định, đánh giá hồ sơ cho một danh hiệu không phải công việc dễ dàng nếu không muốn nói là phức tạp và hết sức tinh tế. Kể cả những danh hiệu đã có lâu đời, tiêu chí đã khá rõ ràng mà vẫn có những trường hợp cộng đồng chưa đồng tình. Chính vì vậy, theo chúng tôi nên có cơ chế tổ chức thẩm định đơn giản hơn mà vẫn có thể đánh giá, thẩm định tốt các hồ sơ xin chứng nhận KCNST.
Trước hết, nên coi đây là danh hiệu của một tổ chức hoạt động kinh tế mà cơ quan chủ quản cấp trung ương là Vụ Quản lý Khu Kinh tế (QLKKT) thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Ban Quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh. Nên chăng, lập Hội đồng thẩm định hồ sơ đăng ký KCNST, định hướng 2 năm xét một lần để các KCN biết thu xếp thời gian lập, nộp hồ sơ. Có thể lập Hội đồng cấp cơ sở (trực thuộc Ban QLKCN cấp tỉnh) với thành viên các Hội đồng này do BQLKCN lập và Vụ QLKKT xét, công nhận còn Hội đồng cấp Bộ do Vụ QLKKT thành lập. Thành viên của các Hội đồng được chọn từ các Ban QLKCN, Vụ QLKKT, các KCN và các chuyên gia liên quan, am hiểu hoạt động các doanh nghiệp, có kiến thức sâu trong các ngành công nghiệp.
Nếu thực hiện cơ chế này sẽ giúp công việc thẩm định dễ dàng hơn, dễ được sự đồng thuận của cộng đồng các KCN và danh hiệu này là danh hiệu của họ. Sau khi hồ sơ được Hội đồng thẩm định hai cấp thông qua thì gửi về để UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận KCNST. Nếu thấy cần thì Hội đồng cấp Bộ KH&ĐT cấp thêm giấy chứng nhận đạt chuẩn KCNST còn thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thuộc UBND cấp tỉnh.
Một đề xuất mạo muội như vậy chỉ với mong muốn việc xét cấp chứng nhận KCNST sớm đi vào nề nếp và động viên được các KCN phấn đấu để ngày càng có thêm KCNST ở Việt Nam trong thời gian gần.
Nội dung: GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Đồ họa: Trường Vũ