Chủ nhật, 24/11/2024 06:36 (GMT+7)
Thứ tư, 17/11/2021 11:00 (GMT+7)

Kinh tế toàn cầu liệu có thể phục hồi trong năm 2022?

Theo dõi KTMT trên

Nền kinh tế thế giới đang phải chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lạm phát và suy thoái. Dự báo trong năm 2022 nền kinh tế vẫn sẽ gặp nhiều thách thức.

Trong suốt năm 2021, các ngân hàng Trung ương và hầu hết nhà kinh tế đều cho rằng tình trạng lạm phát đình trệ trên toàn cầu chỉ là tạm thời. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được giải tỏa. Giá năng lượng sẽ bình ổn. Công nhân ở các nước giàu sẽ quay trở lại làm việc. Song, khi năm 2021 gần kết thúc, niềm tin đó dần lung lay, The Economist nhận định.

Các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt với tình thế khó xử và cũng rất cấp bách. Về lý thuyết, cách xử lý lạm phát do gián đoạn nguồn cung là để nó tự điều chỉnh. Bởi lẽ, việc tăng lãi suất không giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở các cảng, không thể giúp bơm thêm khí đốt hoặc khiến đại dịch chấm dứt.

Kinh tế toàn cầu liệu có thể phục hồi trong năm 2022? - Ảnh 1
Nền kinh tế thế giới đang phải chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lạm phát và suy thoái. (Ảnh: Vov)

Điển hình như năm 2011, lạm phát ở Anh lên tới 5,2% do giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh vẫn giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, tại khu vực đồng Euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu lại chọn cách tăng lãi suất, khiến nền kinh tế khối này rơi vào suy thoái trở lại. Tương tự như vậy, lạm phát vào năm 2022 do giá năng lượng cao có thể sẽ giảm xuống.

Tuy nhiên, so sánh với đầu những năm 2010 là không chính xác. Những tai ương của thương mại toàn cầu vào năm 2021 không chỉ do nguồn cung bị gián đoạn, mà điều phức tạp là nhu cầu cũng dư thừa.

Kích thích tài chính và tiền tệ ồ ạt, kết hợp với giãn cách xã hội, khiến người tiêu dùng say mê hàng hóa, từ máy chơi game đến giày tennis. Vào mùa hè năm nay, chi tiêu của người Mỹ cho sản phẩm vật chất cao hơn 7% so với trước dịch. Ở các quốc gia khác, thiếu hụt hàng hóa cũng là do nhu cầu cao bất thường.

Vì vậy, để kinh tế thế giới trở lại bình thường, người tiêu dùng cần chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng và du lịch. Nhưng thật không may khi các nền kinh tế đang bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động, khiến ngành dịch vụ khó phục hồi.

Tiền lương trong lĩnh vực dịch vụ đang tăng vọt. Nhiều nhà kinh tế kỳ vọng người lao động sẽ quay trở lại làm việc khi các gói hỗ trợ người lao động như các chương trình bảo hiểm thất nghiệp bổ sung, khẩn cấp kết thúc. Tuy vậy, cho đến nay, có rất ít dấu hiệu rõ ràng về xu hướng đó.

Để lạm phát chỉ là tạm thời, tăng trưởng tiền lương và giá hàng hóa - dịch vụ cần phải giảm xuống. Các nước không có lựa chọn nào khác vì năng suất hoặc tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp dịch vụ như nhà hàng vốn đã mỏng và khó cải thiện thêm.

Một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang bắt đầu lo sợ điều ngược lại: Tăng trưởng tiền lương sẽ tiếp tục tăng do người lao động kỳ vọng lạm phát sẽ ngày càng cao hơn. Các nước giàu đã không còn chứng kiến vòng xoáy này kể từ những năm 1970, và các nhà hoạch định chính sách ủng hộ các biện pháp nới lỏng tiền tệ cho rằng ở các nền kinh tế không có phong trào công đoàn rộng khắp, người lao động khó có thể thương lượng mức lương cao hơn.

Nhưng giờ đây, nếu điều đó có thể diễn ra, công việc của các ngân hàng Trung ương sẽ khó khăn hơn nhiều. Họ sẽ không thể giữ lạm phát ở mức mục tiêu mà không phải hy sinh việc làm.

Các thị trường mới nổi đã quen với sự đánh đổi đau đớn giữa tăng trưởng và lạm phát. Nhưng các nước giàu vài chục năm nay thì không. Ở các nước giàu, chỉ có Ngân hàng Trung ương Anh là ngân hàng gần nhất với chính sách thắt chặt tiền tệ, chủ yếu là để bảo toàn mức độ đáng tin cậy trong mục tiêu lạm phát của mình, hơn là vì việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã được đảm bảo bởi các điều kiện kinh tế nền tảng.

Có thể dễ dàng hình dung các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ tăng lãi suất sẽ phải hối hận. Mặc dù lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm 2022, các ngân hàng Trung ương thường cho rằng phải mất một năm rưỡi thì lãi suất cao hơn mới có tác dụng đầy đủ lên nền kinh tế.

Các yếu tố trước đây khiến lãi suất toàn cầu và lạm phát ở mức thấp, như thay đổi nhân khẩu học, bất bình đẳng và nhu cầu toàn cầu đối với tài sản an toàn, có thể sẽ lại phát huy tác dụng vào thời điểm đó.

Việc thắt chặt chính sách tài khóa sắp xảy ra ở nhiều quốc gia sẽ giúp hạ nhiệt các nền kinh tế: Anh đã công bố các đợt tăng thuế lớn và Tổng thống Joe Biden đang phải vật lộn để Quốc hội thông qua các dự luật chi tiêu lớn tiếp theo. Và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với sự suy thoái của thị trường bất động sản, có thể sẽ lan ra toàn cầu.

Trên hết, đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Sự lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể làm gián đoạn nền kinh tế một lần nữa nếu khả năng miễn dịch suy giảm và các biến thể mới kháng lại vaccine.

Nhưng với các chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, thế giới không thể lặp lại thủ thuật duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng các biện pháp kích thích để chuyển chi tiêu của người tiêu dùng sang hàng hóa.

Thay vào đó, các ngân hàng Trung ương sẽ phải cắt giảm chi tiêu bằng cách tăng lãi suất để tránh lạm phát quá mức, trong khi phía cung của nền kinh tế phải thích ứng với các mô hình chi tiêu và làm việc khác rất nhiều so với mô hình trong những năm 2010.

Nếu tình trạng bình thường không quay trở lại vào năm 2022, giải pháp thay thế sẽ là phải tiến hành một quá trình điều chỉnh kinh tế đầy đau đớn.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế toàn cầu liệu có thể phục hồi trong năm 2022?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới