Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
Thứ hai, 19/09/2022 06:55 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng

Theo dõi KTMT trên

Nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng với nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã vượt qua được những biến động bất lợi toàn cầu để đạt mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nay.

Nhận định sự phục hồi của kinh tế Việt Nam

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. Đại điện WB cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý II, quý III/2022 rất tốt. Ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc,…

Thông tin trên là nhận định trong báo cáo cập nhật toàn cầu của nhiều định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Rất nhiều những cụm từ ấn tượng được nhắc đến khi nói về sự phục hồi kinh tế Việt Nam như tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, tự cường hay vượt bậc ngoài dự báo... Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên mức 7-7,5% và trở thành quốc gia duy nhất tại châu Á được Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng dự báo tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng - Ảnh 1

Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. (Ảnh minh họa)

Theo ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đánh giá cao sự phục hồi ấn tượng của Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19. Sức bật này có được là nhờ sự điều hành linh hoạt, ứng phó trong đại dịch, tăng tốc trong chiến dịch phòng chống Covid-19, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình hỗ trợ nền kinh tế cho giai đoạn phục hồi sau đó. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và ASEAN mà chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng".

Ông Andrea Coppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: "Ngay từ quý II chúng tôi đã thấy sức bật của nền kinh tế, nhất là khu vực sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực thế mạnh như tiêu dùng, các ngành hàng dệt may, nông nghiệp phục vụ xuất khẩu".

Cùng với đó là ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) nhận định: "Việt Nam đã có sự tự cường rất cao, đảm bảo được cân đối cho nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Với Việt Nam, nhu cầu thị trường trong nước cũng đang được tăng lên. Chính sách tiền tệ được triển khai cho thấy có độ nhạy và linh hoạt với biến động thị trường".

Đồng thời, ông Bill Winters, Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered cho hay: "Cơ bản chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành để giữ mặt bằng giá cả trong nước, không hình thành mặt bằng giá mới, cùng với đó là nguồn cung hàng hoá dồi dào, tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở châu Á đang phải trải qua cú sốc này rất lớn".

Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam là một quốc gia ổn định, nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng, các khoản đầu tư của họ sẽ được bảo vệ trước những thay đổi đột ngột về kinh tế hoặc chính trị. Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý của EuroCham khảo sát cho thấy các thành viên rất tựu tin về môi trường kinh doanh của Việt Nam".

Lạm phát kiểm soát tốt giúp phục hồi sản xuất

Nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam từ đầu năm đến nay, đã phải đối mặt với áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát của khu vực đồng Euro đến tháng 7 lập kỷ lục tăng 8,9%. Thái Lan tăng 7,61% và Hàn Quốc tăng 6,3%...

Việt Nam cũng đã phải chịu sức ép rất lớn do là nền kinh tế có độ mở lớn. Chính phủ đánh giá nhờ có nghệ thuật điều hành, nhãn quan chính trị, hiểu biết tâm lý xã hội và bình tĩnh trước các ý kiến khác nhau nên lạm phát đã được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và dồn sức tăng trưởng trong giai đoạn nước rút cuối năm.

Giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa thiết yếu liên tục thay đổi, biến động khó lường vhỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, những giải pháp quyết liệt và kịp thời đã giúp bình ổn giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm - những nhóm mặt hàng đóng góp tới 80-90% vào chỉ số CPI ở Việt Nam.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát trên toàn thế giới tăng, đồng USD liên tục tăng giá, đã khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Nhưng việc tỷ giá được kiểm soát ổn định trong thời gian qua đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.

Cùng với đó, giá điện, nước sinh hoạt, học phí... cũng đã được tính toán thay đổi lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay đã giúp giảm áp lực chi phí cho người dân cũng như các doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại: "Giảm giãn hoãn lộ trình tăng giá của một số hàng hóa và dịch vụ cơ bản do nhà nước quản lý đã đóng góp tích cực vào kiềm chế mặt bằng giá chung và tổng thể chúng ta có thể có nói rằng Việt Nam đã ứng phó thành công với các cú sốc về giá".

Áp lực lạm phát và khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam trong thời gian tới nên đòi hỏi việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam cần tính tới độ trễ để thực hiện các chính sách cho hiệu quả hơn.

Những đánh giá khách quan, tích cực của các tổ chức quốc tế là nhờ sự điều hành mặt bằng lãi suất và tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian qua. Đặc biệt là cung tín dụng, tức tổng mức tín dụng đưa ra nền kinh tế luôn được điều hành thận trọng… Tất cả những điều này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối và tạo được nguồn lực để ứng phó linh hoạt với những biến động bất lợi có thể xảy ra trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đã và đang phải căng sức để chống chọi với lạm phát thì chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô được giữ vững. Mặc dù sức ép ngày càng lớn nhưng ưu tiên sự ổn định để ứng phó với những bất định là mục tiêu được lựa chọn của cơ quan điều hành.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay: "Liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô như là lạm phát, sự ổn định tương đối của tỷ giá, mức độ thay đổi nhỏ của lãi suất… thì kết quả là tương đối tốt".

Ông Alex Van Trotsenbur - Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới cho rằng: "Việc điều hành của Việt Nam về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đang hiệu quả để giảm thiểu được tác động lên đồng nội tệ, giá cả hàng hóa ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới".

Cả thế giới đang lạm phát nên khả năng nhập khẩu lạm phát hiện là điều được các chuyên gia khyến cáo. Do vậy, nếu tỷ giá nếu không được điều hành một cách linh hạt có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác cho nền kinh tế.

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính, tiền tệ Quốc gia cho hay: "Huy vọng thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có một chính sách đối với tỷ giá hối đoái một cách rõ rang, tức là làm thế nào để giữ cho được cái tỷ giá hối đoái mất giá ở mức chấp nhận được. Nếu không nó sẽ nhân với cái giá nhập khẩu hàng hóa, làm cho hàng hóa nhập khẩu tăng lên và tạo ra lạm phát kỳ vọng không cần thiết".

Thành công trong điều hành kinh tế là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Vì vậy trong bối cảnh này, Chính phủ khẳng định quyết tâm không khuất phục trước khó khăn chủ động ứng phó.

Thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường. Chỉ khi làm được như vậy mới tiếp tục đưa con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua mọi khủng hoảng, khó khăn của thế giới để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Để chủ động ứng phó với những biến động không thuận lợi từ bên ngoài, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cần điều hành cân đối giữa chính sách phục hồi nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; chủ động các kịch bản để đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới