Chủ nhật, 24/11/2024 10:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/10/2021 15:20 (GMT+7)

Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế

Theo dõi KTMT trên

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoạt động rầm rộ, cố tình chây ì nợ thuế với lý do làm ăn thua lỗ khiến ngân sách nhà nước thất thu. Trong khi đó, nhiều loại khoáng sản đang đối mặt với quy mô cạn kiệt do được khai thác với quy mô lớn.

Tình trạng thất thu thuế KTKS 

Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40  loại khoáng sản như dầu khí, kim loại, than, vật liệu xây dựng… Hiện, nhiều loại khoáng sản đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt trong tương lai gần do đang được khai thác tràn lan tại nhiều địa phương với quy mô lớn.

Trong khi, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản rất hạn chế. Số liệu thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí đạt 0,9 - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2013. Đến năm 2015, nguồn đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã tăng nhưng cũng chỉ chiếm 1,22% tổng số thu ngân sách nhà nước. Tình trạng thất thu thuế đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế - Ảnh 1
Cổ phần Xi măng Nội thương – Chi nhánh Mỏ đá đang nợ Cục thuế tỉnh Hà Nam 5,338 tỉ đồng tiền thuế. (Ảnh Việt Linh)

Tại Quảng Bình, hiện có 118 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) do UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, chủ yếu làm vật liệu xây dựng thông thường và khai thác đá vôi sản xuất xi măng. Bên cạnh việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động, đáp ứng nguồn vật liệu cho xây dựng hạ tầng và sản xuất thì lĩnh vực này tại Quảng Bình còn nhiều vi phạm, sai sót.

Điển hình là nhiều đơn vị chưa tuân thủ thiết kế cơ sở và quy trình kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ, có nguy cơ gây tai nạn; Tình trạng KTKS không đúng vị trí mỏ, quá độ sâu cho phép xảy ra nhiều nơi. Riêng việc khai thác trái phép cát, sạn trên một số lòng sông như sông Gianh, Long Đại… diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn.

Đặc biệt, tình trạng nợ các loại thuế, phí ở mức cao, kéo dài. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp nợ đọng thuế lớn và “khó đòi” đối với hoạt động khai thác khoáng sản gồm:

Công ty cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình 92,95 tỉ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco I nợ 75,16 tỉ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Linh Thành Quảng Bình 3,156 tỉ đồng; Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long 13,287 tỉ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình 13,18 tỉ đồng;

Công ty cổ phần COSEVCO 6 nợ 10,38 tỉ đồng; Công ty cổ phần Khoáng sản Đá Việt 12,3 tỉ đồng; Công ty TNHH Việt Hà 8,252 tỉ đồng; Công ty TNHH KAOLIN Quảng Bình - BOHEMIA 6.728 tỉ đồng; Công ty cổ phần 207 2,544 tỉ đồng; Công ty TNHH Đại Tiến Phát 2,408 tỉ đồng.

Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế - Ảnh 2
Những dãy núi đá tại Hà Nam đang ngày càng "nhỏ" lại, nhưng nguồn thu đóng góp cho ngân sách không đáng kể. 

Trong khi đó trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tất cả 102 mỏ KTKS được cấp cho 95 doanh nghiệp. Theo thống kê của Cục Thuế Hòa Bình, tổng số thuế nộp bình quân của các doanh nghiệp là 186 tỉ đồng/năm. Trong đó, tiền cấp quyền KTKS là 55 tỉ đồng, chiếm 30%; số thuế tài nguyên là 40 tỉ đồng, chiếm 22%; Số tiền phí bảo bảo vệ môi trường 12 tỉ đồng, chiếm 6%; Các loại thuế khác 79 tỉ đồng, chiếm 42%.

Tính đến cuối năm 2020 có 79 doanh nghiệp KTKS còn nợ thuế 151 tỉ đồng (có 37 doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền KTKS 47 tỉ đồng). Hầu hết các trường hợp nợ thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, nhiều trường hợp cơ quan thuế kiến nghị Sở TN&MT, báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép KTKS. Tuy nhiên, đến nay vẫn chây ì, dây dưa nợ kéo dài, chiếm dụng tiền thuế.

Trong khi đó, theo công văn số 2677/CT-QLN ngày 28/7/2021 của Cục Thuế tỉnh Hà Nam công khai danh sách 33 doanh nghiệp nợ thuế đợt II/2021. Tổng số tiền các doanh nghiệp đang nợ Cục Thuế Hà Nam là 53,1 tỉ đồng. Trong số 33 doanh nghiệp này có một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KTKS và các lĩnh vực liên quan như: Công ty cổ phần Xi măng Tràng An nợ 9,594 tỉ đồng; Công ty cổ phần Xi măng Nội thương – Chi nhánh Mỏ đá nợ 5,338 tỉ đồng; Công ty cổ phần Thành An 77 3,804 tỉ đồng;…

Người dân và chính quyền gánh hệ lụy

Tại Quảng Nam, cái tên Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu) gắn liền với mỏ vàng Bồng Miêu. Năm 1992, Công ty Olympus Pacific Minerals Việt Nam (sau này là Công ty TNHH Besra Việt Nam) được cho phép phối hợp với 2 công ty trong nước thăm dò, tiến hành thành lập khai thác mỏ vàng Bồng Miêu.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tổng diện tích khu vực khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu là 385 ha, gồm 230 ha khai thác lộ thiên, 100 ha khai thác hầm lò và 28 ha bãi thải; Công suất khai thác 180.000 tấn quặng/năm với hàm lượng vàng trung bình 2,8 g/tấn quặng. Từ năm 2005 đến năm 2013, Công ty Bồng Miêu khai thác được 829,952 tấn quặng vàng nguyên khai.

Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế - Ảnh 3
Hơn 100 tỉ đồng tiền nợ thuế của công ty Vàng Bồng Miêu coi như mất trắng do doanh nghiệp này đã phá sản. 

Cho đến nay, Công ty Besra là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại Việt Nam, với quyền kiểm soát cả 2 mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, đều ở Quảng Nam là Bồng Miêu và một nhà máy nữa ở mỏ vàng Đắk Sa, huyện Phước Sơn. Dù vậy, sau khi đào bán hơn 6,9 tấn vàng với giá trị hơn 5.000 tỉ đồng và đóng được khoảng 700 tỉ đồng tiền thuế, Công ty Besra chây ì đóng thuế rồi "vô tư" rời đi, để lại những hệ lụy mà người dân và chính quyền sở tại phải gánh lấy. 

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến nay công ty vàng Bồng Miêu vẫn còn nợ thuế hơn 108 tỉ đồng (tính tới tháng 10-2017). Số nợ này cùng với số tiền hơn 800 tỉ đồng của hơn 100 chủ nợ coi như mất trắng, không đòi được xu nào.

Ngoài việc “xù” thuế, quỵt nợ đối tác thì doanh nghiệp này còn để lại cục nợ cho chính quyền địa phương khi doanh nghiệp này chỉ ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường được 6,4 tỉ đồng trong khi đó kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ mất gần 20 tỉ đồng. Do doanh nghiệp đã phá sản nên hơn 13 tỉ đồng còn lại không biết lấy ở đâu.

Những hệ lụy từ việc chưa thể đóng cửa mỏ là những cánh rừng lớn bị đào xới tan hoang; hầm, hố có thể sập bất cứ lúc nào. Càng nguy hiểm hơn khi hiện vẫn có nhiều người tự ý vào bên trong khai thác, mót vàng. Tình trạng khai thác vàng trái phép cũng khiến những dòng sông, dòng suối bị đầu độc trong khi chính quyền không thể nào truy quét hết.

Để xử lý dứt điểm tình trạng nợ thuế kéo dài của các doanh nghiệp KTKS trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình sẽ phối hợp và đề nghị Sở TN&MT tham mưu xem xét thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với doanh nghiệp có dự án chậm tiến độ, không triển khai thực hiện hoặc đang hoạt động có các khoản nợ tiền...

Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế - Ảnh 4
Dù công ty Vàng Bồng Miêu đã phá sản, nhưng đến nay chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn chưa giải quyết xong "cục nợ" doanh nghiệp này để lại.

Trong khi đó, HĐND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm hạn chế lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách. Đặc biệt, tỉnh sớm thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường để tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, thay cho việc ký quỹ tại ngân hàng như hiện nay.

Còn theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình, ông Vũ Hồng Long cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực KTKS, chấn chỉnh những hành vi vi phạm cũng như ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng phối hợp đôn đốc các doanh nghiệp KTKS còn nợ thuế. Đề nghị UBND tỉnh sớm thu hồi và ban hành quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền KTKS để Cục Thuế có cơ sở điều chỉnh số tiền cấp quyền KTKS.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, cần đánh thuế cao hơn nữa để hạn chế khai thác các loại tài nguyên quý của quốc gia. Phải tăng cường quản lý vĩ mô, lấy lợi ích quốc gia làm trọng chứ không vì lợi ích của địa phương, vùng miền, thậm chí theo tư duy nhiệm kỳ. “Đừng tư duy theo kiểu nhà nghèo, có gì là đem bán. Hôm nay bán hết thì ngày mai lại phải đi mua với giá cao hơn rất nhiều”.

(còn nữa)

Xuân Hòa - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 5: Chảy máu khoáng sản: Chây ì nợ thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới