LHQ kêu gọi đoàn kết để sớm hoàn thiện khung quy định Hiệp định Paris
Bà Patricia Espinosa cho biết hiện vẫn tồn tại những bất đồng về xây dựng khung quy định liên quan đến cách thức vận hành của các thị trường mua bán hạn ngạch khí thải carbon.
Trong tuyên bố kết thúc hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề khí hậu sau 3 tuần nhóm họp trực tuyến, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa cho biết vẫn còn khối lượng lớn công việc cần làm trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra tại Anh vào tháng 11 tới.
Bà Espinosa đánh giá cao sự nỗ lực của chính phủ các nước trong sự tham gia chung hiệu quả tại hội nghị này với một số tiến bộ nhất định, mặc dù hội nghị được tiến hành trực tuyến.
Cụ thể, hội nghị lần này đã đạt được một số tiến bộ như xây dựng được khung thời gian chung cho các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và sự minh bạch trong cách thức báo cáo của các nước về hành động chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, bà cho biết hội nghị vẫn tồn tại những bất đồng về xây dựng khung quy định liên quan đến cách thức vận hành của các thị trường mua bán hạn ngạch khí thải carbon và theo bà, quy định này cần có hướng dẫn thực hiện mang tính chính trị ở cấp cao hơn.
Bà nhấn mạnh các nước cần tháo gỡ những bất đồng và nỗ lực trong việc hoàn thành các cam kết trong vài tháng tới để đảm bảo đạt được tiến bộ cao nhất trước thời điểm diễn ra COP26.
COP26 dự kiến diễn tại thành phố Glasgow của Anh vào tháng 11 năm nay với nhiệm vụ hoàn tất các khung quy định của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để văn kiện này có thể được triển khai thực hiện toàn diện. Bà Espinosa thể hiện quyết tâm đạt được thắng lợi tại COP26.
Trên thực tế, nhiều nước cho đến nay vẫn chưa giao nộp các kế hoạch hành động khí hậu mạnh mẽ đáng lý ra phải hoàn thành theo Hiệp định Paris, song bị chậm trễ do đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, lượng khí thải cắt giảm theo cam kết của chính phủ các nước đến nay còn cách khá xa so với yêu cầu để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng với đó, việc các nước giàu không thực hiện đầy đủ cam kết tài chính (tăng khoản hỗ trợ 100 tỉ USD/năm từ năm 2020) để hỗ trợ các nước nghèo hơn, những nước dễ tổn thương chuyển đổi sử dụng năng lượng tái sinh và thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu, đang phủ bóng lên những nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 không ngừng lây lan là yếu tố cản trở công cuộc chống biến đổi khí hậu khi có nhiều nước đang phát triển đang phải chú trọng đảm bảo tiếp cận vaccine.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều đoàn đại biểu không biết chắc rằng họ có thể tham dự COP26 trực tiếp hay không.
Lan Phương