Luôn hoan nghênh doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ mới tạo tín chỉ các-bon
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài như công ty EREX đã đến Việt Nam đầu tư các dự án công nghệ mới, giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ các-bon.
Chiều 23/9, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã tiếp và làm việc với Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Erex Nhật Bản - ông Honna Hitoshi. Tham dự buổi làm việc cùng Bộ trưởng có lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Ngọc Tuấn; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường; Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức; Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh; Chánh văn phòng Bộ Phạm Tân Tuyến.
Thông tin tại buổi làm việc, ông Honna Hitoshi cho biết, hiện nay, Công ty EREX là một trong các công ty đang rất tích cực tìm hiểu và đầu tư trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam. Công ty EREX đang nghiên cứu, đề xuất để triển khai 14 dự án nhà máy điện sinh khối tại 12 tỉnh với công suất hơn 1.000 MW. Trong đó, đã có 01 dự án nhà máy điện sinh khối 20MW tại Hậu Giang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản để triển khai xây dựng theo Cơ chế tín chỉ chung JCM và đã khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2022. Dự án dự kiến sẽ được đăng ký thành dự án JCM trong năm 2024.
Công ty EREX mới nhận được hỗ trợ từ phía chính phủ Nhật Bản để triển khai thêm 02 nhà máy điện sinh khối, mỗi nhà máy có công suất 50MW, tại Yên Bái và Tuyên Quang theo Cơ chế JCM. Đối với các dự án dự kiến đăng ký theo Cơ chế JCM, phía Công ty EREX đề xuất tỷ lệ phân bổ tín chỉ các-bon đảm bảo ở mức hài lòng cho các bên là chính phủ Việt Nam, chính phủ Nhật Bản và cho công ty EREX.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy hoan nghênh các nỗ lực tiên phong của công ty EREX trong đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ các-bon đặc biệt trong lĩnh vực điện sinh khối. Tín chỉ các-bon thu được từ các dự án sẽ được phép trao đổi trên thị trường các-bon tại Việt Nam trong tương lai, đồng thời, tùy thuộc các cơ chế song phương và ưu tiên của Chính phủ, có thể được chuyển giao về nước đối tác, góp phần thực hiện NDC của các quốc gia.
Trao đổi với đoàn công tác của Công ty EREX Nhật Bản, về nội dung liên quan đến tình hình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện nay quy định về tổ chức và việc phát triển thị trường các-bon trong nước đã được đưa vào trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng và được quy định chi tiết tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Theo đó, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình rà soát, chỉnh sửa một số điều của các văn bản pháp luật có liên quan để sớm có thể giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong năm 2025…
Liên quan đến Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua tiếp tục phối hợp với Bộ Môi trường và các bên liên quan phía Nhật Bản rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định và hướng dẫn triển khai thực hiện dự án trong khuôn khổ Cơ chế đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước của 02 quốc gia và tương thích với quy định của quốc tế; đồng thời, tiếp nhận, trao đổi về các hồ sơ ý tưởng dự án, đăng ký dự án, phương pháp luận mới xin áp dụng cho Cơ chế JCM.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Honna Hitoshi cùng nghe các đơn vị chuyên môn của hai bên và thảo luận sâu hơn về cơ chế tín dụng chung JCM và cơ chế giao dịch khí phát thải (ETS). Trong đó, EREX đã và đang thực hiện ứng dụng công nghệ để chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hoá thạch (than) sang sử dụng hoàn toàn sinh khối và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực điện sinh khối tại Nhật Bản. EREX cho rằng việc sử dụng nhiên liệu sinh khối tại nhà máy nhiệt điện than giúp duy trì sản xuất điện, đồng thời thúc đẩy tiến trình trung hoà các-bon, đảm bảo cân bằng hiệu quả kinh tế và yếu tố môi trường. EREX muốn hợp tác sớm để đưa dự án chuyển đổi nhiên liệu thành dự án JCM tại Việt Nam.
EREX đề xuất tổ chức cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản để thảo luận và đưa ra những thống nhất chung cho hai bên. EREX cũng đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt chung để tạo lập thị trường ETS Việt Nam.
Ghi nhận những trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao EREX là đơn vị tiên phong đầu tư vào Việt Nam và cam kết lâu dài sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu NetZero. Trong đó, EREX và các dự án của EREX là hình mẫu tiêu biểu để Việt Nam và Nhật Bản đánh giá và đưa ra các quy ước, quy định chung về thực hiện JCM. Bộ trưởng giao Cục Biến đổi khí hậu sẽ trực tiếp trao đổi và làm việc với công ty về các nội dung liên quan đến Cơ chế JCM cũng như việc trao đổi quyền phát thải.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thúc đẩy sớm tổ chức cuộc họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 9 để xem xét thông qua các nội dung quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Cơ chế JCM tại Việt Nam. Liên quan đến việc thành lập tổ công tác đặc biệt thực hiện ETS sẽ được họp và trao đổi kỹ lưỡng giữa hai bên tại và sẽ đưa ra các kế hoạch cụ thể.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài như công ty EREX đã đến Việt Nam đầu tư các dự án công nghệ mới, giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ các-bon. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hỗ trợ, cung cấp, trao đổi thông tin với công ty EREX để công ty có thể sớm đầu tư triển khai nhiều dự án giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam và hy vọng rằng Công ty EREX và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai quốc Việt - Nhật, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.