Lượng băng bao phủ Bắc Băng Dương giảm xuống mức gần thấp kỷ lục
Lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc cực trong mùa Hè này đã tan chảy xuống mức thấp thứ hai trong hơn 40 năm qua, qua đó cung cấp thêm bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của quá trình ấm lên toàn cầu.
Thông thường, vùng biển Bắc Băng Dương thường đóng băng và đến khoảng tháng 3, băng bao phủ hầu như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2. Đến mùa Hè, băng ở đây bắt đầu tan chảy, song đến cao điểm vào tháng 9, nhiều lớp băng vẫn còn xuất hiện trên Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh được thu thập từ năm 1979 đã cho thấy diện tích băng ở Bắc Băng Dương giảm đáng kể theo thời gian.
Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia (NSIDC) thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ), hình ảnh vệ tinh ghi nhận hôm 15/9 cho thấy băng chỉ còn bao phủ 3,74 triệu km2 ở Bắc Băng Dương, mức bao phủ thấp thứ hai sau mức được ghi nhận hồi năm 2012.
Giám đốc NSIDC Mark Serreze nhận định lượng băng bao phủ Bắc Băng Dương đã giảm xuống mức gần thấp kỷ lục, chủ yếu do đợt nóng ở Siberia và các vụ cháy rừng lớn. Với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa Hè.
Ảnh minh họa. (Internet) |
Không giống như các sông băng tan chảy trên đất liền, các tảng băng trên biển tan chảy không trực tiếp góp phần khiến mực nước biển dâng bởi bản thân những tảng băng này đã ở trên mặt nước. Tuy nhiên, sự thu hẹp lượng băng đồng nghĩa đại dương đại dương hấp thụ nhiệt nhiều hơn, khiến con người có nguy cơ phải hứng chịu nhiều tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Tháng 8 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng cho biết, tổng lượng khí thải CO2 tại Bắc Cực theo ước tính kể từ tháng 1/2020 đến nay là cao nhất trong 18 năm qua.
Tiến sĩ Maria Vittoria Guarino, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng Trái đất sẽ cảm nhận được các tác động khủng khiếp khi băng ở Bắc Cực không còn vào mùa Hè, giống như việc một chiếc máy điều hòa không khí tự nhiên của hành tinh này sẽ mất đi, trong khi nước biển ở các đại dương sẽ tăng cao hơn nữa.
Trước đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Cục Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết vùng phía bắc biển Bering (quanh Bắc Cực) chỉ còn 3 hay 4 tháng có băng trong năm, trong khi bình thường nơi đây có đến 8 tháng có băng.
Năm 2020 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệt độ đo được vào ban đêm đạt 38°C (101°F) tại một thị trấn ở Siberia xa xôi, vùng lãnh thổ ở cực Bắc của nước Nga, một trong những nơi lạnh lẽo nhất trên thế giới với nhiệt độ mùa đông xuống tới -50°C.
Nhiệt độ mới đo được cao hơn tới 18°C so với mức trung bình hàng ngày tối đa trong tháng 6 ở khu vực này và cũng là nhiệt độ kỷ lục từng đo được tại đây.
Nắng nóng ở Siberia là một trong những bằng chứng chứng minh xu hướng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ ở Bắc Cực tăng nhanh gấp đôi so với phần còn lại của Trái đất.
Những đám cháy ở Siberia một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc cắt giảm khí thải do hoạt động của con người gây ra. Theo các nhà khoa học, mọi thay đổi lớn hơn ở Bắc Cực đều có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
Nhật Hạ