Mối nguy hại tàn phá môi trường từ những đầu mẩu thuốc lá nhỏ
Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường. Các hóa chất độc hại có trong đầu mẩu thuốc lá sẽ ngấm vào hệ sinh thái thủy sinh, đe dọa đến chất lượng nước và sinh vật.
4.500 tỉ đầu lọc thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm
Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn. Ước tính mỗi năm trên toàn thế giới, có tới 4.500 tỉ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường.
Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước vì phải mất từ 5 - 7 năm mới phân hủy hết.
Theo Trung tâm Bảo tồn biển - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo tồn sinh vật biển của Mỹ cho biết, trong các chiến dịch làm sạch và thu gom rác, đầu mẩu thuốc thuốc lá chiếm tới 1/5 trong tổng lượng rác thu gom và trở thành dạng rác thải phổ biến nhất trên Trái Đất.
Tại Việt Nam, tuy tỉ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi và tỉ lệ nữ hút thuốc chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành. Trong số những người đang hút thuốc lá có 75,9% người hút thuốc lá từ 10 điếu và 37,6% hút từ 20 điếu thuốc trở lên mỗi ngày.
Trong khi đó, vào năm 2012, Ocean Conservancy đã tổng hợp số lượng đầu mẩu thuốc lá thu gom được trên khắp thế giới là 52,9 triệu. Con số này đã vượt xa số lượng túi nhựa, giấy gói thực phẩm, chai nước và ống hút thu nhặt được từ đại dương. Điều này đưa vỏ bao thuốc lá và đầu lọc thuốc lá vào đứng top đầu của danh mục 10 loại rác biển có số lượng lớn nhất trong tổng số rác biển thu gom được. Cho đến nay, số lượng đầu mẩu thuốc lá thu gom qua các năm vẫn không ngừng tăng theo thời gian và vị trí nhất bảng của nó không hề thay đổi.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, đầu mẩu thuốc lá được cấu tạo một phần bởi chất Cellulose acetate là một chất nhựa khó phân hủy một cách tự nhiên, có chứa các hóa chất độc như: Cadmium, Asen và chì. Trong quá trình hút thuốc, các chất này được giữ lại ở đầu lọc thuốc lá. Khi đầu mẩu thuốc lá bị bỏ đi, gió và mưa đưa chúng đến với các hệ thống nước. Các hóa chất độc hại có trong đầu mẩu thuốc lá sẽ ngấm vào hệ sinh thái thủy sinh, hòa cùng nguồn nước của sông hồ, đại dương, đe dọa đến chất lượng nước và sinh vật.
Hơn nữa, các đầu mẩu thuốc lá được làm bằng chất dẻo xenlulo axetat, khi hoạt động thì chất này giống như một ống dẫn có tác dụng dẫn kim loại vào cơ thể các động vật biển. Các đầu mẩu thuốc lá có thể hoạt động như một phương tiện truyền dẫn kim loại và khi những đầu mẩu thuốc lá này phân hủy có thể ảnh hưởng đến các sinh vật biển.
Thế giới đang nhân rộng chiến lược loại bỏ thuốc lá
Ngày nay, xu hướng bài trừ thuốc lá, cấm hút thuốc lá trở lên mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia, không gian dành cho người hút thuốc lá ngày càng thu hẹp. Việc hút thuốc bị nghiêm cấm ở khắp nơi và những người nghiện thuốc phải tìm một không gian khác để hút thuốc. Bờ sông, hồ hay bãi biển là những lựa chọn và địa điểm lý tưởng cho việc hút thuốc và xả đầu mẩu thuốc lá.
Trước đó, các nhà khoa học Hàn Quốc đã tìm ra cách biến những mẩu đầu lọc thuốc lá thành một loạt vật liệu có khả năng lưu trữ năng lượng được sử dụng cho tất cả các thiết bị từ điện thoại di động đến xe điện.
Theo đó những sợi cellulose acetate có trong đầu lọc thuốc lá đã vứt bỏ, vốn được coi là độc hại và nguy hiểm trong môi trường, sẽ được chuyển đổi thành vật liệu carbon có thể dùng trong chế tạo siêu tụ điện. Đây là một loại thiết bị cho phép lưu trữ điện năng tốt hơn, sạc nhanh hơn và tuổi thọ lâu hơn so với những thiết bị tích điện hiện có. Không những vậy, nhóm nghiên cứu còn cho biết vật liệu carbon từ đầu lọc thuốc lá sẽ có chi phí thấp, độ xốp cao, dẫn điện tốt lại ổn định.
Tại Việt Nam, mỗi năm, ước tính có 1,4% diện tích rừng bị tàn phá để lấy gỗ sấy thuốc lá, thêm vào đó, gỗ còn được sử dụng để xây lò sấy, làm giấy cuốn thuốc lá và bao bì đựng thuốc lá. Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn còn có dung môi, dầu nhựa và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận.
Thuốc lá là cây sử dụng nhiều chất dinh dưỡng trong đất. Không có loại cây nào hấp thu nhiều chất dinh dưỡng trong đất (kali, phốt pho và ni tơ) nhiều như cây thuốc lá, dẫn đến hiện tượng xói mòn đất ngày càng nhanh do đất bị bạc màu. Diện tích đất ở những nơi trồng thuốc lá thường có tình trạng bạc màu, cằn cỗi, đặc biệt ở vùng đồi dốc.
Thế giới đang kêu gọi không khói thuốc. Ngành công nghiệp thuốc lá vẫn đang kiếm tìm giải pháp loại bỏ các chất độc hại trong quá trình sản xuất đầu lọc. Tuy vậy, mỗi con người chúng ta cũng có thể góp phần tự cải thiện môi trường sống của mình. Đơn giản như nâng cao nhận thức bản thân về tác hại của đầu lọc thuốc lá và vứt bỏ chúng một cách văn minh, khoa học.
Bên cạnh những nỗ lực khuyến khích cai bỏ thuốc lá đã và đang được thực thi, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự kiến, sẽ vẫn còn hơn một tỉ người hút thuốc lá điếu trong tương lai. Đến nay dù đã có một số tín hiệu tích cực về tỉ lệ cai thuốc thành công cũng như ngăn ngừa tình trạng hút mới, nhưng để đẩy nhanh hiệu quả giảm gánh nặng từ nạn hút thuốc lá, Chính phủ các nước đã đưa hướng giảm tác hại vào trong chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Đây cũng đồng thời là hướng tiếp cận thứ 3 mà WHO đã đưa ra, bên cạnh chiến lược giảm nguồn cung thuốc lá điếu và giảm nhu cầu bằng các biện pháp cai thuốc.
Đóng góp vào hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá của WHO, các tập đoàn thuốc lá trên toàn cầu đã ứng dụng khoa học để đưa ra những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (hay còn gọi là thuốc lá không khói) có hàm lượng các tác nhân gây hại ít hơn, nhằm thay thế thuốc lá điếu cho những người hiện đang hút thuốc lá.
Lan Anh (T/h)