Ngân hàng “sập cửa” cho vay trung hạn, dự án PPP lấy vốn ở đâu?
Hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Nhiều khoản vay của dự án BOT có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.
Rào cản với các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án PPP là bài toán huy động vốn. Thời gian quan, các dự án theo phương thức này, ngoài vốn chủ sở hữu khoảng 15-20%, vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 20% thì đều phải vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn nữa. Họ phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn. Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn thì bài toán huy động vốn để các nhà đầu tư tham gia dự thầu các dự án theo phương thức PPP thì đây là thách thức lớn nhất, mang tính then chốt nhất.
Huy động vốn là bài toán khó với các DN tư nhân |
Ông Trần Chủng đặt câu hỏi: “Ngoài vốn chủ sở hữu, vay ngân hàng thì huy động vốn ở đâu? Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có thể huy động trái phiếu. Tuy nhiên, phương án này rất khó thực hiện khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn non trẻ. Vì thế cần có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp PPP, như vậy mới khả thi”.
Nhà nước phải có chính sách cụ thể, cần phải xây dựng, phát triển thị trường vốn. Kinh nghiệm từ Anh, họ đã thiết lập liên minh các ngân hàng để cứu vãn tình hình, thu hút nhiều ngân hàng tham gia các dự án dài hơi hoặc thành lập các quỹ, như quỹ đầu tư. Bên cạnh đó, mô hình quỹ đầu tư các công trình hạ tầng tại Hàn Quốc cũng đáng để chúng ta tham khảo.
Nói rõ hơn về thực trạng vốn vay của các doanh nghiệp thực hiện các dự án giao thông hiện nay, bà Vân Anh, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua vốn cho các BOT đa số là từ ngân hàng, nhưng nhiều dự án ngân hàng tài trợ doanh thu không đạt như dự kiến, do lộ trình tăng phí không được thực hiện, cùng với đó là yêu cầu giảm phí, mất an ninh một loại dự án.
Điều này dẫn tới nguy cơ nhiều khoản vay của dự án BOT có nguy cơ chuyển thành nợ xấu. Cho đến thời điểm hiện tại ngân hàng cho vay dự án BOT đạt 110.000 tỉ đồng, thì đến 1/2 là doanh thu không đạt như dự kiến.
NHNN đã có nhiều văn bản gửi Bộ GTVT, các địa phương và Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn không xử lý được dứt điểm.
“Vì vậy, việc cần làm hiện nay là tháo gỡ khó khăn của các dự án BOT để khơi thông tín dụng cho các dự án về sau. Nếu không làm được nợ xấu sẽ ngày càng tăng cao, khó có vốn cho các dự án BOT mới” – bà Vân Anh lưu ý.
Hình ảnh minh họa |
Về cơ cấu nguồn vốn dự án PPP, theo TS Cấn Văn Lực, thông thường dự án hạ tầng giao thông sẽ gồm 4 nguồn: vốn tự có của chủ sở hữu từ 15-20%; từ tổ chức tín dụng (thông thường chiếm từ 40-50%); từ thị trường vốn, cụ thể là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình theo thời gian dự án (nguồn vốn này chiếm khoảng 20% dự án); vốn từ các quỹ.
Vốn từ tín dụng, trong đó vai trò quan trọng là Ngân hàng Phát triển với nguồn vốn trung và dài hạn.Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng Phát triển Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nên chưa đáp ứng được vốn cho doanh nghiệp. Trong khi đó các NHTM hiện tại chủ yếu huy động vốn vay ngắn hạn, nếu cho vay dài hạn sẽ đẫn tới rủi ro kỳ hạn, tiềm ẩn nợ xấu.
“Cái khó nhất hiện nay là cấu trúc tài chính phức tạp. Thông thường quốc tế sẽ có tư vấn để tối ưu hoá nguồn vốn. Chúng ta không thể làm theo hình thức các dự án nhỏ mà không có tư vấn đề tối ưu hoá nguồn vốn” – ông Cấn Văn Lực nói và phân tích thêm: “Với quy định coi phát hành trái phiếu là nguồn vốn thứ cấp trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), theo tôi là không phù hợp và cần thiết. Việc huy động vốn theo hình thức nào nên là phương án của doanh nghiệp, quan trọng là tối ưu hoá lợi ích”.
Hiện nay, việc huy động vốn ngân hàng thương mại đang rất khó. NHNN cũng có quy định vay dự án chuyên biệt, với loại hình doanh nghiệp BOT là xong dự án sẽ giải tán. Với loại hình này rủi ro sẽ lớn hơn doanh nghiệp thông thường với trọng số rủi ro lên tới 160% trong khi doanh nghiệp thường chỉ là 100%, vì vậy việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu là rất quan trọng với doanh nghiệp BOT.
Về quy định bảo đảm cân đối ngoại tệ cần hết sức cân nhắc. Theo tính toán của ông Cấn Văn Lực, với quy định 30% của doanh thu, trừ đi chi phí trong nước cần làm rõ 30% hỗ trợ cân đối ngoại tệ ấy lấy ở đâu? Hiện nay cả Thống đốc và Chính phủ đều chưa đồng tình lấy nguồn dự trữ ngoại hối. Bởi dự trữ ngoại hối là dùng cho những trường hợp nguy cấp quốc gia, còn PPP chỉ mang tính chất đầu tư. Cùng với đó, theo thông lệ cũng rất ít nước hỗ trợ cân đối ngoại tệ.
Các nhà đầu tư hiện nay đều yêu cầu chia sẻ rủi ro về doanh thu. Vì thế, Dự thảo luật cũng nên quy định cụ thể trường hợp nào được chia sẻ rủi ro, vì có những nguyên nhân đến từ chủ quan như tham nhũng, quản lý yếu kém dẫn tới thất thu. Xử lý vấn đề này thì lấy vốn nào? Theo TS Cấn Văn Lực, nên có một quỹ hỗ trợ phát triển PPP. Quỹ này của nhà nước và có quy định rõ mức hỗ trợ, có thể chạy từ khoảng 20-40% tổng kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự án.