Ngành hàng không quốc tế tiếp tục đứng trước nguy cơ thua lỗ trong năm 2022
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không thế giới sẽ vẫn hoạt động thua lỗ trong năm 2022 với tổng mức lỗ ròng là 12 tỉ USD do nhu cầu đi lại vẫn giảm thấp hơn so với thời trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Dự báo lỗ khoảng 12 tỉ USD trong năm 2022
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) cho biết, ngành hàng không toàn cầu sẽ thua lỗ khoảng 12 tỉ USD trong năm tới, giảm 78% so với năm nay do đà phục hồi dần sau đại dịch Covid-19.
Theo IATA, thiệt hại của ngành vào năm 2021 có thể sẽ tồi tệ tính toán ban đầu, tổng cộng khoảng 51,8 tỉ USD, tăng so với dự báo hồi tháng 4 là 47,7 tỉ USD. Thiệt hại ròng vào năm 2020 là 137,7 tỉ USD, nhiều hơn con số 126,4 tỉ USD mà IATA ước tính vào đầu năm nay. Những con số này nâng tổng thiệt hại ròng của ngành hàng không do đại dịch lên hơn 200 tỉ USD.
IATA nhận định, các hãng hàng không ở Bắc Mỹ dự báo sẽ đạt lãi ròng 9,9 tỉ USD năm 2022, trong khi các hãng hàng không ở châu Âu có thể ghi nhận mức thua lỗ nhiều nhất là 9,2 tỉ USD và các hãng ở châu Á-Thái Bình Dương dự báo thua lỗ 2,4 tỉ USD.
Dự báo, nhu cầu du lịch trên thế giới sẽ tăng 18% trong năm 2021 (so với mức tăng 40% của năm 2019), và tăng 51% vào năm 2022 (so với mức tăng 61% vào thời trước khi xảy ra đại dịch).
Hàng loạt hãng hàng không đã phải phá sản
Theo Bloomberg, đầu tháng 9/2021, Philippines Airlines - hãng hàng không lâu đời nhất châu Á đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Được thành lập từ năm 1941, từng có thời kỳ phát triển rực rỡ, đến nay, Philippines Airlines của tỉ phú Lucio Tan đã trải qua nhiều nỗ lực nhằm tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ với hy vọng có thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Trước Philippines Airlines, đã có hơn 20 hãng hàng không trên toàn cầu tuyên bố phá sản hoặc phải dừng hoạt động vĩnh viễn, trong đó có những tên tuổi, như: Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong)...
Đầu mùa hè năm nay, khi làn sóng Covid-19 tạm lắng, tưởng chừng như hàng không Mỹ có cơ hội phục hồi khả quan, khi lượng khách đi máy bay đạt 80% so với trước đại dịch. Song hy vọng phục hồi đã nhanh chóng bị dập tắt, khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ tăng nhanh kể từ tháng 8, khiến hành khách đồng loạt hủy chuyến, còn các nhà đầu tư thì hoảng sợ. Ngay lập tức, giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Nhiều hãng bay Mỹ đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng nề trong quý III.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với ngành hàng không Trung Quốc, trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch sau một thời gian dài dịch bệnh được khống chế bỗng bùng phát trở lại từ hồi tháng 6.
Tại Australia và New Zealand, nhiều khu vực ở các quốc gia này tiếp tục bị phong tỏa trong nỗ lực phòng, chống sự lây lan của biến thể Delta. Hãng hàng không Qantas Airways của Australia đã phải cắt giảm thêm 2.500 nhân sự, nâng tổng số nhân viên bị hãng này cắt giảm lên con số 9.500 người. Hoạt động bay nội địa của hãng trong tháng 7 giảm từ mức 90% so với trước đại dịch xuống còn chưa đầy 40%.
Riêng khu vực Đông Nam Á, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng biến thể Delta, hoạt động vận tải hành khách đường không hiện gần như tê liệt, trừ rất ít chuyến bay hồi hương công dân hay vận chuyển lực lượng và thiết bị y tế phòng, chống dịch.
Ước tính, để vượt qua được cơn khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19, các hãng hàng không cần 250 tỉ USD hỗ trợ từ các Chính phủ. Một số quốc gia như: Pháp, Hà Lan, Singapore... đã đưa ra các gói hỗ trợ hãng hàng không, theo đó, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Song để ngành hàng không thế giới có thể phục hồi, chắc chắn cần không ít thời gian và nỗ lực, đặc biệt còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trên toàn thế giới.
Hà Lan (T/h)