Chủ nhật, 24/11/2024 10:04 (GMT+7)
Thứ ba, 04/06/2019 10:57 (GMT+7)

Nguyên nhân khiến không khí ở Ba Vì, Sóc Sơn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia môi trường nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến không khí ở Ba Vì, Sóc Sơn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội là do người dân thường xuyên đốt rơm rạ.

Nguyên nhân khiến không khí ở Ba Vì, Sóc Sơn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội - Ảnh 1
Người dân đốt rơm rạ - Ảnh minh hoạ

Nhiều ngày nay, tại Sóc Sơn và Ba Vì (Hà Nội), chất lượng không khí được đánh giá còn ô nhiễm hơn khu vực nội đô bởi thường xuyên ở mức báo động. Do vậy, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hen suyễn nên ở trong nhà.

Cụ thể, ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir mở rộng vùng quan trắc ra các huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, nhiều thông tin bất ngờ về chất lượng không khí. Những ngày này, chất lượng không khí tại hai điểm đo ngoại thành là Minh Trí (Sóc Sơn) và Phú Đông (Ba Vì) thường xuyên ở mức kém, nhiều thời điểm cao hơn cả khu vực nội đô, vốn là vùng ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.

Ví dụ như vào 7h00 sáng nay (4/6), tại Minh Trí (Sóc Sơn), chỉ số AQI (đại diện cho chất lượng không khí) là 143, ở Phú Đông (Ba Vì) là 160, tương đương với những điểm ô nhiễm nhất trong nội đô là Hàng Trống (Hoàn Kiếm), Bảo Linh (Hoàn Kiếm), Tam Trinh (Hoàng Mai), cao hơn nhiều các điểm nội thành khác như Quan Hoa (Cầu Giấy - AQI là 117), Thượng Đình (Thanh Xuân - AQI là 94).

Thậm chí tại thời điểm tối ngày 3/6, chỉ số AQI tại Ba Vì còn lên tới 228, mức xấu, còn ở Sóc Sơn cũng lên tới 180, cao hơn nhiều khu vực nội đô. Các chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân chính là do người dân thường xuyên đốt rơm rạ.

Theo các chuyên gia, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chỉ riêng tỉnh Thái Bình, theo tính toán của Đại học Quốc gia Hà Nội, lượng khí CO2 phát ra từ đốt rơm rạ lên tới 738,8 nghìn tấn/năm, lượng CO thải ra môi trường lên tới 58,3 nghìn tấn.

Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết, ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5- vốn được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Được gọi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể , gây ra hàng loạt các căn bệnh về hô hấp, tim mạch. Ngoài ra có thể gây ung thư và đột biến gene.

Xuân Đoàn (TH)

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân khiến không khí ở Ba Vì, Sóc Sơn ô nhiễm hơn nội đô Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới