Nguyên nhân TP.HCM sương mù sáng nay
Đổ ẩm cao, đêm lạnh, gió nhẹ và bụi lơ lửng là 4 yếu tố tạo nên sương mù tại TP.HCM. Dự báo chiều và tối nay, Nam Bộ có mưa diện rộng.
Sáng sớm nay, TP.HCM có lớp sương mù che phủ nhiều đỉnh tòa nhà, cao ốc. Nhiệt độ khoảng 25 độ C.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết từ đêm qua đến sáng nay, TP.HCM hội tụ nhiều điều kiện hình thành sương mù. Đó là đổ ẩm cao, đêm lạnh, gió nhẹ và bụi lơ lửng trong không khí.
Chiều và tối 5/10, TP.HCM mưa dông nhiều nơi dẫn đến độ ẩm cao, hơn 90%.
Trong khi đó, ban đêm lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 24 độ C. Hơi nước không thể lên cao, lơ lửng ở tầng thấp rồi liên kết thành hạt nước ở thể hơi. Đến sáng, hạt nước này chuyển sang thể lỏng thành dạng sương mù.
Ngoài ra, bụi lơ lửng trong không khí là hạt nhân liên kết để hạt nước bám vào, trở thành sương mù ở tầng thấp. Gió không quá mạnh là điều kiện để hạt hơi nước duy trì ở tầng dưới, tạo nên sương mù dày đặc. Khi nắng lên, lớp sương mù này sẽ tan dần.
"Giống như con trai, nếu nó muốn hình thành hạt ngọc trai thì bên trong nó phải có cát, hơi nước cũng gần giống như vậy", chuyên gia so sánh và cảnh báo sương mù trong những ngày ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) tại TP.HCM sáng nay ở ngưỡng trung bình, từ 84 đến 114 đơn vị. Đặc biệt, có nơi ở ngưỡng trong lành (quận Bình Thạnh.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ đêm 6/10, thời tiết TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ chuyển xấu. Trời nhiều mây, có mưa, mưa rào, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to.
Đợt mưa này được dự báo sẽ kéo dài tới 11/10. Sau đó, mưa có xu hướng giảm. Lượng mưa phổ biến 40-70 mm/24 giờ, có nơi trên 100 mm/24 giờ.
Mưa xuất hiện do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên ở khu vực giữa và nam Biển Đông.
Về thời tiết trên biển, từ 6/10, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Vùng biển phía Tây của khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 1,5-2,5 m.
Thu Hằng