Chủ nhật, 24/11/2024 06:22 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/06/2021 15:32 (GMT+7)

Những con số đáng báo động về biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua.

Liên Hợp Quốc thông tin, từ năm 2000 tới năm 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa thiên nhiên lớn khiến hơn 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỉ người. Báo cáo cũng cho biết các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD. Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.

Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5oC trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2oC đến 3oC vào cuối thế kỷ 21. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Những con số đáng báo động về biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua.

Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo, gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường Trái Đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu của con người. Gia tăng dân số cơ học tạo ra các nguồn thải, trong đó, có rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương đang là mối lo chung của toàn cầu.

Hàng tấn mảnh vụn nhựa bị loại bỏ mỗi năm, ngập tràn khắp mọi nơi khiến đất ô nhiễm, sông ô nhiễm, bờ biển, bãi biển và đại dương chìm trong ô nhiễm. Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi nylon con người thải ra không được thu gom và xử lý. Hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên Trái Đất. Tính trung bình, mỗi phút thế giới thiêu thụ 1 triệu chai nhựa… 8 triệu tấn nhựa đi vào lòng đại dương.

Ước tính năm 2025, số lượng rác thải nhựa này sẽ tăng lên 20 lần, tức là khoảng 160 tấn nhựa. Rác thải nhựa và túi nylon thải ra môi trường đang tăng lên theo cấp số nhân. Chúng đang từng ngày, từng giờ tàn phá, hủy diệt môi trường sống của con người và cả thế giới động vật đặc biệt là sinh vật biển.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong 20 năm qua, mỗi năm, trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1 – 1,5% GDP, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội, đồng thời, tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy vậy, thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Chỉ tính riêng năm 2020 vừa qua, miền Trung Việt Nam phải hứng chịu chuỗi đa thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 42 ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp của 06 cơn bão và 01 cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó cơn bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây; mưa lớn kéo dài với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3 - 5,5 lần so với trung bình nhiều năm, nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lũ lớn xảy ra hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 - 2,0m, nhiều sông vượt mức lũ lịch sử; ngập lụt sâu diện rộng và kéo dài nhiều ngày. Đặc biệt, bão, mưa lũ, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng ở miền Trung gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.

WB tăng ngân sách chống biến đổi khí hậu lên 35%

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 23/6 nhất trí tăng ngân sách chi cho chống biến đổi khí hậu lên 35%, cao hơn so với mục tiêu trước đó là 28% và công bố báo cáo tiến độ hàng năm. Động thái diễn ra sau khi dự thảo về kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu của WB bị cho là thiếu 1 chiến lược thực hiện rõ ràng.

WB cũng cho biết sẽ đưa ra 1 lộ trình để giúp các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu đã cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo WB, kế hoạch trên đánh dấu 1 bước chuyển đổi trong cách thức thực hiện của ngân hàng này, với việc đưa vấn đề khí hậu trở thành trọng tâm trong mọi chương trình.

Hồi tháng 4, WB đã công bố 1 số chi tiết trong kế hoạch giúp các nước giảm lượng phát thải thông qua việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi khỏi than đá, tăng ngân sách cho chống biến đổi khí hậu, vốn đã đạt 83 tỉ USD trong 5 năm qua.

Về lo ngại của các nhà bảo vệ môi trường trong vấn đề chuyển các khoản đầu tư ra khỏi khí đốt tự nhiên, WB cho biết sẽ đưa ra yêu cầu khắt khe hơn cho các dự án khí đốt và xem xét các khoản đầu tư theo từng trường hợp cụ thể.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Những con số đáng báo động về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới