Chủ nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/12/2022 10:06 (GMT+7)

Những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2023

Theo dõi KTMT trên

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 được Quốc hội giao mục tiêu cho Chính phủ là 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường 100 triệu dân, đầu tư công, xuất khẩu... là động lực tăng trưởng chính của kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga-Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

Tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2023 - Ảnh 1
Việt Nam năm 2023 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. (Ảnh minh họa)

Dù năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn phải chịu mức lạm phát 2 con số, chứng kiến cơn bão giá cả quét qua. Song Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát thành công.

Áp lực lạm phát sang năm 2023 không nhỏ do các yếu tố cầu đẩy, điều chỉnh tăng lương, chi phí cơ bản và Trung Quốc mở cửa làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hoá… nhưng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính Phủ, Tổng cục thống kê cho rằng mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023 là khả thi.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Chúng ta có nguồn lương thực dồi dào, đáp ứng trong nước và vẫn phục vụ xuất khẩu. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường dự kiến tiếp tục được kéo dài sang 2023 sẽ là các hỗ trợ chủ động để giảm lạm phát".

Việt Nam năm 2023 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Trước tình hình nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống lớn giảm sút đơn hàng do kinh tế suy giảm, đầu tàu tăng trưởng qua thương mại giảm nhịp. Giới chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ cần tập trung nỗ lực khai thác các lực đẩy khác từ tiêu dùng nội địa, thị trường mới...

TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: "Tổng mức bán lẻ 2022 tăng khoảng 19%. Giả sử không có dịch Covid-19 mà nền kinh tế cứ tăng đều thì tổng mức bán lẻ năm 2022 mới chỉ bằng khoảng 82% trước dịch. Từ đó để ta thấy dư địa để kích thích kinh tế qua tiêu dùng của 1 thị trường 100 triệu dân".

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xuất khẩu sang EU giữa khó khăn vẫn rất tốt, tăng 2 con số. Nhưng hiện tại EU, chúng ta vẫn đang tập trung vào một số thị trường.

Ông Thành cho biết: "Đi sâu để tìm hiểu phát triển các thị trường và từ đó giảm thiểu cái tác động từ suy giảm kinh tế thế giới là rất quan trọng".

Giới chuyên gia cũng đồng quan điểm tăng trưởng cũng sẽ đến nếu môi trường pháp lý được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công đang có nhiều nút thắt. Bởi một đồng vốn đầu tư công giải ngân là 1,62 đồng giải ngân đầu tư của các thành phần khác nữa. Sức lan toả từ khu vực này sẽ là hỗ trợ lớn cho bức tranh kinh tế năm 2023.

Bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022 thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào nước ngoài nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới