Chủ nhật, 24/11/2024 06:03 (GMT+7)
Thứ năm, 05/08/2021 07:42 (GMT+7)

Phân loại rác tại nguồn: Cần tìm kiếm các giải pháp đồng bộ

Theo dõi KTMT trên

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, thực hiện phân loại rác tại nguồn đem lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường, mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nan giải ở nước ta hiện nay. Quá trình đô thị hóa cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày một tăng cao, với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua, tạo gánh nặng cho xã hội. Nhiều tỉnh trong cả nước, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý, bãi rác quá tải, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh gây ô nhiễm môi trường.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, thực hiện phân loại rác tại nguồn đem lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế và làm giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường, mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.

Khó thực hiện 

Rác thải là một nguồn tài nguyên với rất nhiều giá trị sử dụng mới có thể tạo ra như khí đốt, phân bón, điện năng, vật liệu tái chế… Tuy nhiên, với lượng rác thải ngày càng tăng theo cấp số nhân nếu không có cách làm hiệu quả từ việc phân loại tại nguồn thì để rác có thể biến thành tài nguyên là điều rất khó.

Thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn gặp không ít trở ngại khi việc thực hiện mới chỉ dừng ở hoạt động thí điểm, chưa có quy định bắt buộc, chế tài xử phạt hay cơ chế khuyến khích. 

Phân loại rác tại nguồn: Cần tìm kiếm các giải pháp đồng bộ - Ảnh 1
Tình trạng đổ chất thải tùy tiện gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Theo Bộ TN&MT, TP.HCM đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư hoặc một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, công tác này chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức do các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại chưa cao.

Còn tại TP.Hà Nội, mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn đã được triển khai thí điểm từ năm 2007 trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục tiểu học năm học 2007 - 2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực phường Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ. Mặc dù vậy, kết quả của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội không được duy trì.

Hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày ở khu vực nội thành đã được thu gom nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng.

Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.

Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn

Có thể thấy, phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế. Cùng với đó, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải…

Hiện nay, TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, tương đương với tỉ lệ gần 1 kg/người, mức tăng khoảng 6 - 10%/năm, việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trước tình hình đó, từ tháng 5/2021, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Đồng thời, tùy điều kiện kinh tế - xã hội, công nghệ, Ủy ban Nhân dân TP.HCM sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai.

Việc phân loại thành 2 nhóm giúp đơn vị thu gom, vận chuyển dễ thực hiện bởi phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, tạo thêm nguồn thu nhập và mang lại giá trị kinh tế, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi - tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Thủ đô Hà Nội, theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, thành phố sẽ tăng khoảng 5% khối lượng rác thải/năm. Với tỉ lệ thu gom đạt 100%, đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô khoảng 8.500 tấn/ngày.

Theo đó, Công ty TNHH MTV môi trường Đô thị Hà Nội đã thực hiện dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" từ tháng 8/2020 nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác của người dân. Công ty đã triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch đề cập đến việc quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.

Trao đổi vấn đề này với báo Kinh tế và Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện bền bỉ, lâu dài và trở thành thói quen tốt trong đời sống của mỗi người dân thì các biện pháp phải tiến hành đồng bộ, thay vì "đánh trống bỏ dùi".

Muốn thay đổi công nghệ xử lý rác theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác phải quyết liệt phân loại rác từ nguồn. Điều đó đồng nghĩa với việc, rác phải được phân chia ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn. Tiếp đó, phải đồng bộ với khâu trung gian, khâu xử lý mới từng bước tạo được những chuyển biến rõ nét.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phân loại rác tại nguồn: Cần tìm kiếm các giải pháp đồng bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới