Chủ nhật, 24/11/2024 11:56 (GMT+7)
Thứ tư, 13/07/2022 09:50 (GMT+7)

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở

Theo dõi KTMT trên

Thương hiệu trầm Việt Nam trên thị trường quốc tế đang bị lép vế trước trầm Indonesia, trầm Malaysia, trầm Campuchia... Trong khi trầm Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.

Chiều 13/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Phát triển Y dược Việt phối hợp với Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu và phát triển trầm hương Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Tuấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Y dược Việt; ông Đoàn Mạnh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý; ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp; GS.TS Hoàng Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, Đại học Lâm nghiệp; ông Lê Văn Giang Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển trầm hương Việt Nam; ông Phan Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đào tạo và Bồi dưỡng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hoàng Vinh Tiến - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần dược Nam Hà; cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Bác sĩ Nguyễn Tuấn Bình đã đọc báo cáo đề dẫn về lịch sử phát triển của trầm hương; ứng dụng của trầm hương trong các lĩnh vực của đời sống; quá trình hình thành trầm hương; ưu điểm, nhược điểm của các phương pháp tạo trầm hương (tự nhiên và nhân tạo) hiện nay.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Nghiên cứu và phát triển trầm hương Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

5 nhóm giải pháp

Từ góc độ chính sách, pháp luật và quản lý, ông Đoàn Mạnh Phương đã chỉ rõ những hạn chế và bất cập hiện nay liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành trầm hương Việt Nam. Trên cơ sở đó, ông Phương đã đưa ra 5 nhóm giải pháp, nhằm tạo điều kiện để ngành trầm hương Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất. Bởi, mô hình trồng cây Dó Bầu để cấy tạo trầm hương cần thời gian dài (trên 10 năm) và tiêu tốn nguồn vốn lớn.

Thứ hai, để đưa sản phẩm trầm hương Việt Nam ra thị trường thế giới một cách thuận lợi, có được chỗ đứng vững chắc, rất cần các hoạt động liên kết sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và bảo hộ đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trầm hương.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 2
Ông Đoàn Mạnh Phương - Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý.

Thứ ba, có chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu công nghệ tạo trầm một cách bài bản, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có thể chuyển giao rộng rãi công nghệ tạo trầm.

Thứ tư, có cơ chế hỗ trợ thông tin đầy đủ về thị trường đối với mặt hàng trầm hương. Hiện nay, thông tin về thị trường của mặt hàng này còn nhiều bất cập, rời rạc, chưa có định hướng rõ ràng nên rất khó cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, cần có các quy định cụ thể về chất lượng cây giống, các chỉ tiêu về lâm sinh đối với nhóm cây tạo trầm, sự tương thích giữa các cây trồng xen, cũng như hỗ trợ nghề nghiệp để người dân an tâm sản xuất.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, nếu đáp ứng được những vấn đề trên, ngành trầm hương Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Chưa phát triển đúng tiềm năng

Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành trầm hương Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp nhấn mạnh, nhu cầu về trầm hương trên thế giới ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung rất hạn chế. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để phát triển mạnh mẽ ngành trầm hương, nên đây là một cơ hội lớn.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 3
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch Nông nghiệp.

"Trầm hương là loại sản phẩm đa dạng nguồn thu chứ không chỉ là một nguồn thu về sản phẩm trầm, nếu chỉ nhìn nó là một sản phẩm trầm thì sẽ chưa thấy nó mang lại nhiều nguồn lợi. Các doanh nghiệp phát triển trầm có thể tạo ra hệ sinh thái sản phẩm, ít nhất là kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn trầm trong hợp tác xã, đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.

Việt Nam hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành quốc gia hàng đầu trong ngành trầm hương, vì vậy Nhà nước và các doanh nghiệp cần phát huy những yếu tố đó để đưa trầm hương trở thành thương hiệu quốc gia, làm sao để khi các đối tác quốc tế muốn mua trầm thì họ liền nghĩ đến trầm Việt Nam là thương hiệu tốt nhất", ông Tùng phân tích.

Liên quan đến công nghệ tạo trầm, GS.TS Hoàng Văn Sâm vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là, ngành trầm hương là ngành vô cùng tiềm năng, có thể mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa có một đề án phát triển trầm hương một cách bài bản.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 4
GS.TS Hoàng Văn Sâm, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học, Đại học Lâm nghiệp.

"Cần nghiên cứu và hoạch định để lựa chọn ra địa điểm, khu vực tiềm năng phát triển trầm hương. Thứ hai là lựa chọn để tạo ra giống trầm có chất lượng tốt nhất, giá trị cao nhất, đây là vấn đề then chốt.

Tôi có đồng chủ trì một Hội thảo về trầm hương tại Đức, ở Hội thảo có đề cập đến việc tạo trầm bằng hoạt chất hóa học, công nghệ này rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người, thiếu tính bền vững. Nếu công nghệ này áp dụng ở nước ta sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu trầm hương Việt Nam.

Tôi mong muốn chúng ta đồng lòng quyết tâm, có một Đề án tổng thể của Nhà nước để phát triển trầm hương chất lượng cao, có chiến lược phát triển thị trường một cách bài bản, làm sao để ngành trầm hương Việt Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chia sẻ dưới góc độ là cơ quan đào tạo nghiên cứu để đóng góp cho sự phát triển chung của ngành trầm hương Việt Nam", ông Sâm khẳng định.

Nỗi trăn trở của doanh nghiệp

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp phát triển trầm hương tại Việt Nam, ông Lê Văn Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương sinh học TTT, đồng thời là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Trầm hương Việt Nam (trực thuộc Viện Y dược Việt) cho biết, bản thân rất trăn trở khi mà thương hiệu trầm Việt Nam trên thị trường quốc tế bị lép vế trước trầm Indonesia, trầm Malaysia, trầm Campuchia... Trong khi trầm Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 5
Ông Lê Văn Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương sinh học TTT, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Trầm hương Việt Nam.

"Có rất nhiều nguyên nhân khiến thương hiệu trầm Việt Nam bị lu mờ. Thứ nhất, chất lượng trầm không ổn định, mùi trầm khác nhau, do đó cần một công nghệ tạo trầm đồng nhất, sản phẩm định hình được mùi nhất định và có số lượng đủ lớn. Thứ hai, trước đây chúng ta chỉ biết khai thác trầm trong tự nhiên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, rất ít doanh nghiệp tham gia vào ngành sản xuất trầm hương một cách chuyên nghiệp nên sản lượng không ổn định.

Để giải bài toàn thứ nhất, chúng tôi đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ tạo trầm bằng phương pháp sinh học, thân thiện với môi trường, với sức khỏe con người, mùi hương tiệm cận với trầm tự nhiên. Về vấn đề thứ hai, ổn định về số lượng với nguồn cung lớn, đây là bài toán cực kỳ nan giải, cần có sự chung tay của các Nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và những người yêu thích trầm hương.

Hội đồng quản trị của công ty chúng tôi đã đưa ra kế hoạch 10 năm để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu trong ngành trầm hương, đấy là khát vọng lớn của doanh nghiệp trẻ, rất mong nhận được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu, trường Đại học trên cả nước", ông Giang nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương sinh học TTT cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, cùng với nhu cầu về sản phẩm trầm hương ngày càng tăng, nếu không có kế hoạch bảo vệ và xây dựng chiến lược phù hợp, thì chắc chắn tương lai không xa trầm hương Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng cạn kiệt.

Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở - Ảnh 6
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu và Phát triển Trầm hương Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp" đã thành công tốt đẹp, với việc đưa ra cái nhìn tổng quát về ngành trầm hương Việt Nam.

Hội thảo đã tạo cơ hội trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia, doanh nghiệp để đánh giá từ cơ sở lý luận tới thực tiễn về giá trị kinh tế, tiềm năng ứng dụng khoa học của trầm hương cũng như tính cấp thiết trong việc bảo tồn, phát triển loài cây Dó Bầu thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp và công tác truyền thông tích cực, lan tỏa.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đã thống nhất đưa ra được tiền đề xây dựng hành lang pháp lý và cơ sở lý luận về đánh giá chất lượng cũng như giúp phát triển mạnh mẽ ngành trầm hương Việt Nam trong tương lai.

Hoàng Hải - Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Phát triển ngành trầm hương Việt Nam: Nỗi niềm trăn trở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới