Chủ nhật, 24/11/2024 07:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/11/2023 15:45 (GMT+7)

Phú Xuyên và Sơn Tây có gì để Hà Nội định hướng hình thành đô thị vệ tinh?

Theo dõi KTMT trên

Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thay vì 5 đô thị vệ tinh như quy hoạch cũ, Hà Nội đã định hướng chỉ còn 2 đô thị vệ tinh gồm Sơn Tây và Phú Xuyên.

Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26/7/2011 (QHC 1259) đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Các đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và Sơn Tây mang đến kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề như giãn dân cho khu vực trung tâm, liên kết vùng, phát triển kinh tế… Nhưng sau hơn 10 năm hầu hết các đô thị vệ tinh chưa phát triển do thiếu cơ chế chính sách, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp…

Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, bên cạnh đề xuất mô hình "thành phố trong thành phố", Hà Nội vẫn giữ định hướng hình thành các đô thị vệ tinh.

Nhưng có thay đổi là, Xuân Mai, Hòa Lạc nhập vào thành phố phía Tây, đô thị vệ tinh Sóc Sơn nhập vào thành phố phía Bắc nên định hướng chỉ còn lại 2 đô thị vệ tinh là Sơn Tây và Phú Xuyên. Trong đó, Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa.

Phú Xuyên và Sơn Tây có gì để Hà Nội định hướng hình thành đô thị vệ tinh? - Ảnh 1

Định hướng phát triển không gian toàn đô thị Hà Nội trong điều chỉnh quy hoạch chung. (Nguồn: kinhtedothi.vn)

Sơn Tây – Mảnh đất văn hoá lâu đời

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía tây bắc, Sơn Tây là một mảnh đất có truyền thống văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Vùng đất này hiện có 193 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ. Trong đó, đã có 68 di tích được xếp hạng (gồm 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố).

Nhiều di tích nổi tiếng mà tên gọi gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm đã vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đường Lâm hiện có 350 ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn và hàng nghìn ngôi nhà truyền thống. Nét độc đáo nhất ở đây là những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong. Sau Hội An, phố cổ Hà Nội - những phố cổ nơi đô thị, thì Đường Lâm là ngôi làng cổ điển hình hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn những dấu tích của làng Việt cổ ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Sơn Tây còn được xem là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua": Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm cũng là nơi có Văn Miếu trấn Sơn Tây - biểu tượng của truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện qua hai tấm bia đá ghi tên 288 vị khoa giáp từ thời nhà Lý đến cuối thời nhà Mạc ở Trấn Sơn Tây xưa.

Phú Xuyên và Sơn Tây có gì để Hà Nội định hướng hình thành đô thị vệ tinh? - Ảnh 2
Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây.

Ngoài ra, Sơn Tây còn có hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có 6 địa điểm đã được gắn biển. Cùng với đó là những khu, quần thể du lịch đã và đang thu hút các nguồn lực đầu tư. Điển hình là Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, đô thị vệ tinh Sơn Tây được phát triển mở rộng từ thị xã Sơn Tây về phía Tây kết nối với vùng cảnh quan Ba Vì, hồ Suối Hai trở thành trung tâm hỗ trợ dịch vụ du lịch của vùng phía Tây Bắc Thủ đô.

Tại đô thị Sơn Tây với nền tảng lịch sử phát triển đô thị lâu dài, làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và... và vùng cảnh quan sinh thái hấp dẫn tại khu vực sẽ được phát triển các chức năng hỗ trợ du lịch, đào tạo, y tế cùng các cơ sở an ninh - quốc phòng hiện có sẽ xây dựng Sơn Tây trở thành đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô.

Đặc biệt, đề xuất hình thành một thành phố trên cơ sở Thành cổ Sơn Tây, khai thác tối đa giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền công nghiệp không khói là các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó nhấn mạnh yếu tố kiến trúc, yếu tố lịch sử, khơi gợi niềm tự hào dân tộc thông qua các sản phẩm du lịch, phục dựng các làng cổ, các khu vực phố cổ, hình thành phố đi bộ, trung tâm triển lãm phi vật thể, triển lãm văn hóa truyền thống, chợ đêm, văn hóa ẩm thực, kiến tạo nền kinh tế bằng nguồn lực du lịch làm cốt lõi...

Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.

Tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng, phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì - Suối Hai.

Xây dựng đô thị có bản sắc văn hóa đặc trưng của văn hóa xứ Đoài: Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Xuân Khanh và hồ Kỳ Sơn là những không gian trọng tâm chính để tổ chức không gian đô thị. Phát triển mở rộng đô thị về phía Tây, hướng về khu vực hồ Xuân Khanh và hồ Đường. Hạn chế phát triển về hướng Nam và hướng Đông. Xây dựng đô thị hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, có hệ thống giao thông đô thị kết nối hài hòa giữa khu phát triển mới và làng xóm cũ, đặc biệt là khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm.

Phú Xuyên – Cửa ngõ kết nối Thủ đô

Phú Xuyên là huyện ngoại thành nằm ở phía Nam của thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Huyện có diện tích tự nhiên 171 km2 với dân số hơn 220 nghìn người sinh sống ở địa bàn 25 xã và 2 thị trấn.

Với vị trí phía đông giáp huyện Khoái Châu và huyện Kim Động thuộc tỉnh Hưng Yên, phía nam giáp thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Phú Xuyên được coi là cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh phía nam; là đầu mối giao thông quan trọng có vai trò trung chuyển hàng hoá, dịch vụ, lao động từ các vùng lân cận vào Hà Nội.

Theo quy hoạch chung được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2015, Ga Phú Xuyên là điểm dừng của tuyến đường sắt Bắc Nam, trong tương lai sẽ được xây mới tại xã Văn Tự (huyện Thường Tín) có quy mô 22ha. Đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục không gian chiến lược cứng của đô thị vệ tinh Phú Xuyên sẽ được kéo dài, mở rộng theo hướng Đông - Tây trên cơ sở tỉnh lộ 429 hiện hữu.

Phú Xuyên và Sơn Tây có gì để Hà Nội định hướng hình thành đô thị vệ tinh? - Ảnh 3

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua huyện Phú Xuyên

Quốc lộ 1A - một trong những con đường huyết mạch của cả nước đoạn đi qua huyện Phú Xuyên, sẽ được mở rộng 30 - 36m. Các tuyến đường liên khu vực qua đô thị vệ tinh Phú Xuyên có bề rộng 34 - 40m. Các tuyến đường chính khu vực sẽ có bề rộng mặt cắt ngang 25 - 40m. Một số trục chiến lược cứng khác của đô thị vệ tinh Phú Xuyên gồm có cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5 (bề ngang 90m, 6 làn xe); đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên (rộng 40m, 6 làn xe). Ngoài ra, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua đô thị vệ tinh Phú Xuyên hiện đã đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe.

Đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có mặt cắt ngang 12 - 17m với hai làn xe cơ giới. Phía Bắc của đô thị vệ tinh Phú Xuyên được bố trí khu công nghiệp phát triển các ngành công nghệ sinh học, chế biến nông sản, thực phẩm công nghệ cao nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, hệ thống cảng, kho tàng bến bãi... Không gian cây xanh, mặt nước tại các xã, thị trấn tại đô thị vệ tinh Phú Xuyên nằm trong khu vực bảo tồn, quản lý và kiểm soát theo quy định pháp luật về di sản văn hóa…

Phú Xuyên có di sản làng nghề truyền thống phong phú, từ giữa năm 2017, ý tưởng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp mới bắt đầu được hình thành và từng bước triển khai, huyện đã quy hoạch 11 cụm công nghiệp làng nghề. Từ năm 2018-2020 đã có 4 cụm công nghiệp làng nghề được thành lập đó là: Cụm công nghiệp làng nghề các xã Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên và Vân Từ. Năm 2025, Phú Xuyên dự định thành lập mới 4 cụm công nghiệp, có 29 cụm công nghiệp được triển khai và quy hoạch với diện tích đất là 836,87 ha, chiếm 4,9% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện.

Phú Xuyên cũng có điều kiện đất đai rộng lớn, có diện tích mặt nước của sông Hồng, sông Nhuệ rất tốt cho việc khai thác cảnh quan đô thị và góp phần bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, định hướng phát triển không gian đô thị vệ tinh Phú Xuyên được đánh giá là một trong những đô thị tiềm năng bởi sự liên kết chặt chẽ với sân bay Nam Hà Nội, đường sắt tốc độ cao, hệ thống giao thông sky-monorail dọc bờ sông Hồng, hệ thống du thuyền, hệ thống vận tải đường thủy sông Hồng.

Tại đây phù hợp để hình thành một đô thị cửa ngõ phía Nam, là trung tâm dịch vụ và khai thác logistics, trung tâm đón nhận các sản phẩm nông sản của khu vực phía Nam phục vụ cho cung ứng và xuất khẩu. Với sự hình thành thành công của mô hình OCOP tại Phú Xuyên phù hợp để hình thành một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển lãm OCOP lớn nhất khu vực với những lợi thế sẵn có…

Phát triển đô thị Phú Xuyên trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, đầu mối của các hành lang giao thông quốc gia. Ưu tiên phát triển các khu nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp. Các chức năng đô thị công nghiệp, dịch vụ theo mô hình sinh thái liên kết hữu cơ giữa hệ thống không gian công cộng gắn với mặt nước, cây xanh sông Nhuệ và sông Hồng.

Bên cạnh đó, các không gian công cộng và các khu dân cư đều được tiếp cận với hệ thống giao thông hiện đại. Xây dựng mới Khu công nghiệp Thường Tín - Phú Xuyên với các ngành chế biến nông sản - thực phẩm, công nghiệp nhẹ, chế biến xuất khẩu, hệ thống cảng, kho tàng, bến bãi, dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (logistics).

Ngoài ra, khu vực này cũng được định hướng xây dựng hình ảnh đô thị mặt nước, phát triển đô thị với đặc trưng nhiều hồ nước, kênh mương để phù hợp với đặc điểm vùng thấp trũng và ứng phó với vấn đề lũ lụt dọc theo các sông chảy qua khu vực. Hình thành các khu chức năng đô thị tương đối độc lập, hạn chế nhu cầu lưu thông cắt ngang các tuyến giao thông. Khu vực phía Tây tuyến đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến phát triển các khu dân cư, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Phú Xuyên và Sơn Tây có gì để Hà Nội định hướng hình thành đô thị vệ tinh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới