Quảng Bình: Phát hiện 22 đàn voọc gáy trắng ở gần khu dân cư
Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) cho biết, phát hiện 22 đàn voọc gáy trắng với 156 con, sống trên các dãy núi đá vôi thuộc địa bàn các xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa.
Theo thông tin từ UBND huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình ngày 15/1, CIRD đã làm việc với huyện và tỉnh, công bố phát hiện 22 đàn voọc gáy trắng với 156 con, sống trên các dãy núi đá vôi thuộc địa bàn các xã Đồng Hóa, Thạch Hóa và Thuận Hóa.
Trong đó xã Thạch Hóa có số lượng lớn nhất, gồm 12 đàn với 91 con, ở xã Đồng Hóa có 9 đàn với 57 con... và ở xã Thuận Hóa có 1 đàn với 8 con.
Qua theo dõi cho thấy các đàn voọc này thường sống ở khu vực quanh quẩn sát với các khu dân cư và vùng ruộng nương của người dân.
CIRD cũng cho biết quần thể voọc gáy trắng ở Tuyên Hóa sống theo kiểu một con đực sẽ có nhiều con cái, và trong các đàn hiện còn có nhiều con còn nhỏ.
Việc phát hiện, ghi nhận 156 cá thể voọc gáy trắng ở 3 xã của huyện Tuyên Hóa, gần khu dân cư, không quấy phá con người đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới bảo tồn. CIRD khuyến cáo cần phát triển du lịch xem voọc gáy trắng vì ở đây chúng rất dạn dĩ, dễ chụp ảnh, nên quy hoạch các tuyến và điểm xem voọc để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và cũng sẽ tạo điều kiện tốt để bảo vệ voọc gáy trắng.
Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis thuộc bộ Linh trưởng, là loại đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB được người dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình phát hiện năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn.
Biết đây là loài vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, một nhóm người dân đã tự nguyện hằng ngày thay nhau chăm sóc, bảo vệ. Họ làm công việc này chỉ đơn giản vì niềm đam mê, mong muốn bảo vệ những gì quý giá cho thế hệ mai sau. Thế nhưng, do không có tính pháp lý, không được pháp luật công nhận khiến việc bảo vệ gặp khó khăn.
Theo PGS.TS Đỗ Anh Tuân, giảng viên Trường Đại học Lâm Nghiệp, việc đàn voọc gáy trắng gia tăng về số lượng chứng tỏ hiệu quả từ hoạt động của nhóm bảo vệ tự nguyện, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần tạo cơ sở pháp lý cho nhóm bảo vệ tự nguyện. Chúng ta cần vận dụng quy định pháp luật hiện có để giao quyền cho cộng đồng này chính thức có quyền quản lý của họ. Ngoài ra, xác định ranh giới rõ ràng, xây dựng quy chế, lập kế hoạch và phối hợp chặt chẽ giữa nhóm bảo vệ, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Hy vọng trong tương lai không xa, khu bảo tồn quần thể voọc gáy trắng tại đây sẽ sớm thành lập đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Nó không chỉ giúp người dân nơi đây ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, các loài động vật quý hiếm mà còn mang lại giá trị lớn về khoa học và môi trường sinh thái trong khu vực.
Nhật Hạ