Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam chỉ đạo "nóng" sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường
Sau loạt bài phản ánh đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ngày 31/7/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, rà soát, xử lý các bến bãi và công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.
Trước đó, vào các ngày 25, 26 và 28/7, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải loạt bài liên quan đến quy hoạch sử dụng, khai thác bến bãi, nhà xưởng, trạm trộn bê tông trong phạm vi bảo vệ đê điều và ngoài bãi sông gắn với bảo vệ môi trường. Qua các bài viết đã phản ánh về hiện trạng hàng loạt bến bãi không phép vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp yêu cầu về thanh, hạ tải, di dời máy móc trong thời điểm mùa lũ.
Sau khi loạt bài được đăng tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam đã ban hành văn bản số 981/SNN-TL về việc kiểm tra, rà soát, xử lý các bến bãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng hoạt động trái phép trên bãi sông theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường.
Tại văn bản đã nêu rõ công tác quản lý, sử dụng đất bãi sông có vai trò to lớn trong việc an toàn thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông và đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều. Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ 2024, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 2592/CT – BNN- TL ngày 10/04/2024, UBND tỉnh Hà Nam cũng có chỉ đạo tại Văn bản số 846/UBND – NNPTNT ngày 13/05/2024 về việc tăng cường xử lý tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn và xây dựng công trình trái phép trên bãi sông. Bên cạnh đó, thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ NNPTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 614/SNN- TL ngày 24/05/2024 về việc tăng cường công tác quản lý bãi sông, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.
Tuy nhiên đến nay, qua công tác theo dõi và quản lý bến bãi, các khu vực bãi sông Hồng, sông Đáy trên địa bàn tỉnh có nhiều bến bãi tập kết vật liệu xây dựng quy mô lớn, công trình xây dựng, hoạt động trái phép vẫn tồn tại.
Để đảm bảo an toàn đê điều, không gây cản trở thoát lũ, tuân thủ quy định pháp luật về đê điều, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất ở bãi sông đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, đê điều, đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng bến bãi tập kết cát, sỏi và vật liệu xây dựng trái phép về đê điều và sử dụng đất ở bãi sông theo quy định pháp luật về đất đai.
Đối với các bến bãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về đê điều và các quy định khác có liên quan (như đầu tư, tài nguyên khoáng sản, giao thông, xây dựng…) thì đình chỉ hoạt động, giải tỏa thanh thải vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là tình trạng vi phạm xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông gây cản trở thoát lũ.
Các địa phương báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, ngăn chặn, giải tỏa và kết quả xử lý về Sở NN&PNTN trước ngày 15/8/2024.
Ngày 25/7, Tạp chí Điện tử Môi trường đăng tải video toàn cảnh bến bãi hoạt động không phép trong mùa mưa lũ tại Hà Nam. Tiếp đến ngày 26/7, Tạp chí đăng bài viết phản ánh nhiều bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa lũ tại tỉnh này. Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục tìm hiểu, ghi nhận và phản ánh qua bài viết đăng tải ngày 28/7 về thực trạng nhiều bến bãi chây ì không chấp hành "lệnh" giải tỏa dù đang trong cao điểm mùa mưa lũ.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam): "Hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý".
Sông Hồng