Sự gia tăng dân số là mối nguy hại với môi trường?
Dân số và môi trường là 2 yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, sự gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường do hoạt động khai thác quá mức phục vụ nhu cầu của con người.
Dân số gia tăng quá nhanh sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường. Trong khi dân số không ngừng biến động thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên dần trở nên cạn kiệt dần và lượng khí thải ra môi trường ngày càng nhiều hơn.
Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, hơn 1,2 tỉ người. Dân số thế giới hiện nay đã hơn 6 tỉ người, nhưng điều đáng sợ hơn là tốc độ tăng dân số thế giới đang diễn ra rất nhanh.
Dân số càng nhiều, sức ép về thực phẩm, lương thực, năng lượng, môi trường, tài nguyên cũng ngày càng lớn. Năm 1976, bình quân mỗi người dân trên thế giới ăn hết 342 kg lương thực, năm 1977 giảm xuống còn 318 kg; Năm 1976, lượng thịt bò và thịt cừu tiêu thụ bình quân mỗi người là 11,8 kg và 1,9 kg, năm 1991 giảm xuống còn 10,9 kg và 1,8 kg; Năm 1970, thế giới tiêu thụ cá nhiều nhất, bình quân mỗi người 19,5 kg, năm 1991 giảm xuống còn 16,5 kg.
Trong khi đó, về nguồn tài nguyên khoáng sản và thủy điện, với trình độ kỹ thuật hiện nay loài người đang đứng trước khó khăn rất lớn, việc cung cấp năng lượng ngày càng căng thẳng, điện sản xuất ra không đủ dùng, trong khi đó chất thải công nghiệp ngày càng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường tự nhiên.
Do đó, muốn giảm bớt những sức ép đó, nhất thiết phải khống chế tỉ lệ tăng dân số, đồng thời phối hợp với các mặt khác. Hiện nay, trước tình hình dân số thế giới đang tăng mạnh, đã có người đặt câu hỏi: "Trái Đất có thể nuôi được bao nhiêu người?". Nếu bình quân một ngày mỗi người tiêu thụ số nhiệt lượng tương ứng với 9200 jun thì một năm sẽ tiêu thụ 35,5 x 105 jun. Mỗi năm thực vật trên Trái Đất hấp thụ được từ ánh Mặt Trời 165 x 1015 gam chất hữu cơ, tương ứng với 2761 x 1015 jun nhiệt lượng.
Tuy nhiên, số lượng nhiệt lượng đó có thể đủ dùng cho 800 tỉ người, nhưng đó là điều không thực tế vì cho đến nay loài người mới chỉ khai thác được 0,5% tổng nhiệt lượng từ nguồn thực vật. Với khoa học kỹ thuật tiên tiến, mặc dù có lợi dụng được 1% tổng nhiệt lượng từ nguồn thực vật thì Trái Đất cũng chỉ có thể nuôi sống được 8 tỉ người. Thực tế liệu Trái Đất có thể nuôi được số người đông như vậy không, điều này rất khó nói vì tính toán trên lý thuyết chưa thể đúng hoàn toàn với thực tế. Bởi vậy nhân loại chưa nên vội vàng chạy ngay tới giới hạn nguy hiểm: 8 tỉ người.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ tác tác động tiêu cực của tình trạng gia tăng dân số hiện nay trên thế giới biểu hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất là sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường Trái Đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp…
Thứ 2 là tạo ra các nguồn thải tập trung vượt quá khả năng tự phân hủy của môi trường tự nhiên trong các khu vực đô thị, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Thứ 3 là sự chênh lệch về tốc độ phát triển dân số giữa các nước công nghiệp hoá và các nước đang phát triển gia tăng, dẫn đến sự nghèo đói ở các nước đang phát triển và sự tiêu phí dư thừa ở các nước công nghiệp hóa. Sự chênh lệch ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn, giữa các nước phát triển công nghiệp và các nước kém phát triển dẫn đến sự di dân ở mọi hình thức.
Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các thành phố lớn - siêu đô thị làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước tăng lên. Theo đó, các tệ nạn xã hội và vấn đề quản lý xã hội trong đô thị ngày càng khó khăn.
Có thể thấy, gia tăng dân số đang gây sức ép nặng nề tới môi trường toàn cầu. Diện tích Trái Đất hầu như không thay đổi nhưng số dân thì tăng gấp nhiều lần. Dân số tăng nhanh sẽ làm cho môi trường không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của con người.
Thùy Linh (T/h)