Chủ nhật, 24/11/2024 04:42 (GMT+7)
Thứ năm, 22/06/2023 14:55 (GMT+7)

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước: Thể chế hóa chủ trương về quản lý, sử dụng nguồn nước

Theo dõi KTMT trên

Việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là dự án luật không chỉ được cộng đồng các doanh nghiệp mong đợi mà còn được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm. Bởi sự kỳ vọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Trong phiên thảo luật mới đây tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng, đặc biệt là an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động rất lớn đến Việt Nam.

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước: Thể chế hóa chủ trương về quản lý, sử dụng nguồn nước - Ảnh 1
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: quochoi.vn)

Việc sửa đổi luật cũng giúp chủ động trong việc tích nước, bảo đảm đủ nước, cấp nước sinh hoạt cho sinh hoạt và sản xuất.

Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên nước cũng cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Do đó, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Luật Tài nguyên nước sẽ thể chế hóa những nội dung này để tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng chống lũ, điều hòa chống úng chống ngập đô thị; trách nhiệm quản lý, phân cấp phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương…

Ngoài ra, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đảm bảo hiệu quả nhất, “đặc biệt từ việc chúng ta căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia, quy hoạch các vùng, quy hoạch tỉnh chúng ta sẽ thực hiện quy hoạch tài nguyên nước có chiến lược và đảm bảo hiệu quả nhất” – Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.

Về nội dung liên quan đến phục hồi tài nguyên nước, đặc biệt là nhiệm vụ khôi phục được những “dòng sông chết” mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu khoa học công nghệ về phòng, chống, thoát lũ thì các bộ ngành, địa phương phải cần có cơ chế phối hợp để phục hồi và bảo vệ các dòng chảy. Đồng thời phải gắn trách nhiệm trong việc quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường. 

Góp ý về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ quan tâm đến chính sách cấp nước sạch cho người dân, khẳng định nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân.

Theo đại biểu, hiện nay, việc thực hiện quy định hiện hành về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã bộc lộ hạn chế. Cụ thể, việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng. Chính vì vậy, đại biểu cho biết cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch cho nhân dân tại khoản 5 Điều 76.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị cần nghiên cứu, rà soát những vấn đề bất cập giữa quy định về cấp nước sạch đô thị và cấp nước nông thôn. Bởi nhiều trường hợp công trình cấp nước đô thị giáp ranh khu vực nông thôn, có khả năng cấp nước nhưng lại không được phép cấp nước cho khu vực nông thôn.

Ngược lại, công trình cấp nước sạch nông thôn giáp ranh khu vực đô thị cũng không được cấp nước cho dân cư đô thị; hoặc trong quá trình đô thị hoá, nhiều vùng nông thôn trở thành đô thị nên phải bàn giao, chuyển đổi công trình cấp nước nông thôn sang đơn vị quản lý công trình cấp nước đô thị. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét hợp nhất, thống nhất nhiệm vụ cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi Luật Tài nguyên nước: Thể chế hóa chủ trương về quản lý, sử dụng nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới