'Sức mạnh' đặc biệt của rừng mưa ở châu Phi
So với rừng mưa ở Amazon, rừng mưa châu Phi được phát hiện có khả năng chống chọi bền bỉ hơn với tình trạng biến đổi khí hậu với "năng lực" hấp thu khí thải CO2 trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận trên trong báo cáo nghiên cứu về tác động của El Nino trong các năm 2015 và 2016 - Thời điểm hiện tượng thời tiết này đã gây ra nắng nóng và khô hạn nghiêm trọng nhất đối với rừng mưa tại 6 nước CHDC Congo, Gabon, Cameroon, Ghana, Liberia và CH Congo.
Theo báo cáo trên, hệ thống thực vật trong các khu rừng châu Phi tiếp tục hấp thụ khí thải carbon trong khí quyển, mặc dù các khu rừng này trải qua hạn hán với nền nhiệt độ tăng thêm 0,92 độ so với nhiệt độ trung bình những năm 1980-2020.
Theo Giáo sư Amy Bennett, trường Đại học Leeds của Anh, chủ nhiệm công trình nghiên cứu, các nhà khoa học không phát hiện thấy hiện tượng giảm sút mạnh tốc độ tăng trưởng của cây cối hay số lượng cây chết đi tăng lên tại các khu rừng mưa ở châu Phi trong thời gian ghi nhận các hình thái thời tiết cực đoan. Nhờ đó, các rừng mưa châu lục này vẫn thực hiện tốt chức năng hấp thu khí thải carbon và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các rừng mưa ở "Lục địa Đen" tiếp tục "thanh lọc" 1,1 tỉ tấn carbon dioxide mỗi năm trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino 2015-2016, tương đương gấp 3 lần lượng khí phát thải của Anh trong năm 2019. Tuy nhiên, các nhà khoa học xác định "năng lực" hấp thu của các rừng mưa châu Phi đã giảm 36% do chịu tác động của El Nino.
Các nhà nghiên cứu bất ngờ với phát hiện này vì các rừng mưa tại Amazon hay Đông Nam Á khi trải qua thời tiết tương tự sẽ dẫn tới tình trạng tạm thời ngừng hấp thụ carbon. Những phát hiện này là bằng chứng đầu tiên cho thấy mức độ tác động hạn chế của nắng nóng và hạn hán đến rừng mưa châu Phi. Do vậy, rừng mưa châu Phi góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cần được bảo vệ.
Lan Phương