Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/11/2021 07:00 (GMT+7)

Tăng cường chính sách môi trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo “Chính sách môi trường ở Việt Nam” cung cấp cái nhìn tổng quan về những vấn đề môi trường cấp thiết mà Việt Nam đang phải đối mặt. Từ đó đưa ra những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mới đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo quốc gia về “Chính sách môi trường ở Việt Nam”.

Theo nhận định của ông Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV: Trong nhiều năm trở lại đây, môi trường luôn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các quốc gia và người dân trên Trái Đất. Ngay cả trong bối cảnh dường như mọi nguồn lực, mọi sự quan tâm, chú ý đều dành cho các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác vẫn nằm trong nhóm các mối quan ngại hàng đầu của nhân loại.

Chính vì vậy, việc công bố Báo cáo quốc gia với chủ đề “Chính sách môi trường ở Việt Nam” tại một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học, chính sách và thực tiễn. Đặc biệt trong thời điểm Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) đang diễn ra.

Tăng cường chính sách môi trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam - Ảnh 1
Môi trường luôn là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất của các quốc gia và người dân trên Trái Đất. (Ảnh: Duy Khương)

Theo đó, báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về những vấn đề môi trường cấp thiết mà Việt Nam đang phải đối mặt và những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu, loại bỏ hay ngăn chặn các vấn đề đó.

Từ đó, nhằm cải thiện hiệu quả của các chính sách môi trường, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phối hợp giữa chính sách môi trường với các chính sách khác của nhà nước, kiểm soát chặt chẽ hơn các chuỗi sản xuất, tăng nguồn lực tài chính, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chống lại sự xâm nhập của các loài ngoại lai, quy hoạch hệ thống giao thông phù hợp với nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, hay thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền.

Trình bày các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo “Chính sách môi trường ở Việt Nam”, TS Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig Giessen – đồng chủ biên của báo cáo cho biết: Trái Đất và toàn bộ sinh quyển trên hành tinh đang phải đối mặt với những mối đe dọa lớn gây ra bởi biến đổi khí hậu. Là một đất nước nhiệt đới với đường bờ biển dài, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ngoài những vấn đề môi trường toàn cầu, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức môi trường lớn trong nước. Quá trình phát triển của các thành phố, của nền kinh tế, hệ thống giao thông vận tải và sự tăng trưởng mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm không khí, nước và đất và những thiệt hại nghiêm trọng đối với hệ động, thực vật của đất nước.

Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ môi trường đầu tiên vào năm 1993. Sau 2 lần sửa đổi, việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới vào năm 2020 thể hiện bước đổi mới quan trọng nhất của hệ thống chính sách về môi trường quốc gia. Có hiệu lực từ tháng 1/2022, Luật Bảo vệ môi trường mới sẽ tạo một khung pháp lý vững chắc cho các công cụ chính sách bao gồm giấy phép môi trường, kinh tế tuần hoàn, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất và nhiều công cụ chính sách khác.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, thiệt hại về kinh tế ước tính từ 10,8 – 13,2 tỉ USD liên quan đến ô nhiễm không khí, tương đương với khoảng 5% GDP của đất nước. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng đang trong tình trạng báo động. Nước thải từ các khu dân cư, bệnh viện, trường học, công sở… hầu hết đều trực tiếp xả ra hệ thống sông ngòi mà không qua bất kỳ một biện pháp xử lý. Thậm chí, nồng độ chất độc hại trong nước thải đều trên mức cho phép nhiều lần. Ngoài ra, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày quá lớn, chiếm tới 80% tổng lượng chất thải rắn và đang gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình gia tăng dân số…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung xây dựng các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành, địa phương nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết cho triển khai Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) để các quy định mới của luật đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách như: Khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; Ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải.

Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; Rà soát kiên quyết yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đối tượng có quy mô xả thải lớn, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; Áp dụng chế tài để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ... 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường chính sách môi trường trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới