Chủ nhật, 24/11/2024 06:53 (GMT+7)
Thứ ba, 14/06/2022 10:16 (GMT+7)

Thời tiết cực đoan, từ nay đến cuối năm có bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam?

Theo dõi KTMT trên

Từ nay đến cuối năm, Biển Đông sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp trong những tháng cuối năm

Bão nhiều hơn có thể kéo dài đến năm 2023

La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau hai đến bảy năm. La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, nhưng thời điểm gây ảnh hưởng mạnh nhất là vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. Ở Đông Nam Á, nó thường gây ra lượng mưa trên mức trung bình và lũ lụt.

Theo cảnh báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO), chu kỳ khí hậu La Nina đang tác động đến nhiệt độ toàn cầu và khiến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn - sẽ kéo dài nhiều tháng nữa, thậm chí là đến năm 2023.

WMO cũng cho biết, có 70% khả năng sự kiện La Nina kéo dài sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là tháng 8 tới. Một số dự đoán thậm chí còn cho thấy nó có thể tồn tại đến năm 2023. Các chuyên gia cho rằng, nếu điều này xảy ra, đây sẽ là chu kỳ La Nina kéo dài 3 năm liên tiếp lần thứ ba ở Bắc bán cầu từng được ghi nhận kể từ năm 1950.

Thời tiết cực đoan, từ nay đến cuối năm có bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam? - Ảnh 1
La Nina đang tác động đến nhiệt độ toàn cầu và khiến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí kéo dài đến năm 2023. (Ảnh minh họa)

Được biết, La Nina tác động rộng rãi đến thời tiết trên khắp thế giới, gây tác động trái ngược với El Nino - hiện tượng mặt biển nóng lên ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu.

WMO cho biết tình trạng hạn hán khắc nghiệt đang tàn phá vùng Sừng châu Phi và Nam Mỹ đều do ảnh hưởng của La Nina. Nó đang gây lượng mưa nhiều trên mức trung bình gần đây ở Đông Nam Á và Australia. Hiện tượng này cũng được cho là sẽ gây ra mùa bão mạnh trên trung bình ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, WMO nhấn mạnh tác động của các hiện tượng khí hậu tự nhiên như La Nina đang ngày càng gia tăng do trái đất nóng lên.

"Biến đổi khí hậu do con người gây ra làm khuếch đại tác động của các sự kiện tự nhiên như La Nina và đang ngày càng ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết", người đứng đầu WMO, ông Petteri Taalas khẳng định. Ông chỉ ra các biến đổi cụ thể như nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán, nguy cơ cháy rừng, cũng như lượng mưa và lũ lụt kỷ lục.

10-12 cơn bão sẽ vào biển Đông từ nay đến cuối năm

Tại Hội nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện-địa phương có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, thuộc các tỉnh, thành phố toàn quốc, năm 2022, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, từ nay đến hết năm 2022, hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina.

“Từ nay đến cuối năm trên Biển Đông sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp trong những tháng cuối năm”, ông Đại chia sẻ.

Trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5-7/2022 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm, sau đó từ tháng 8-11/2022 có xu hướng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp khoảng từ 5-7 cơn). Đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Thời tiết cực đoan, từ nay đến cuối năm có bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam? - Ảnh 2
Từ nay đến cuối năm, Biển Đông sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khoảng từ 4-6 cơn. (Ảnh minh họa)

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7-9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ tháng 6-9/2022. Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Nhận định về tình hình thời tiết, theo ông Đại nắng nóng xuất hiện muộn. Từ nay đến cuối năm, nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ tập trung nửa cuối tháng 6, tháng 7 và đầu tháng 8, nắng nóng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh khả năng hoạt động sớm trong khoảng tháng 10, tháng 11/2022. 

“Nắng nóng xuất hiện ở Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 7-8 nhưng có thể không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh khả năng hoạt động sớm. Nền nhiệt những tháng đầu mùa đông thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ”.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai ở nước ta diễn biến bất thường, mưa lớn trái quy luật từ ngày 30/3 đến 2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; hay đợt mưa từ ngày 21/5 đến 24/5 ở Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ, với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 400mm, có nơi tập trung đến 464mm/ngày, gây ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Lũ trên một số tuyến sông có đê như sông Cầu, Cà lồ, Phó Đáy, sông Tích đã vượt mức báo động 2...

Ngày 12/6/2022, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La phải mở cửa xả đáy. Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra yêu cầu cao việc bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản Nhà nước, nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội bền vững. 

Trên cơ sở đó, các chuyên gia kiến nghị giải pháp về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”; công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ; đánh giá hiện trạng đê điều, sẵn sàng hộ đê theo phương châm “4 tại chỗ”; công tác quản lý bãi sông, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và bến, bãi và những chia sẻ bài học, kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong phòng chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, chuẩn bị, ứng phó, chỉ đạo huy động vật tư, nhân lực hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều… 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thời tiết cực đoan, từ nay đến cuối năm có bao nhiêu cơn bão ảnh hưởng tới Việt Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới